Thứ Hai, 18/11/2024
Cả nước huy động được 877 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBTWMTTQVN Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ 


Tham dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Phó thủ tướng Phạm Bình Minh… Cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Trong những năm qua, Chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" nói riêng và vận động hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo nói chung đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao và phối hợp chặt chẽ từ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội; tiếp tục nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở về thực hiện mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Qua đó đã vận động các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức phi Chính phủ, các Tập đoàn kinh tế, cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... ủng hộ giúp đỡ người nghèo, thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Thông qua Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư cùng chăm lo cho người nghèo, củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả của Chương trình đã góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Qua 3 năm triển khai (từ năm 2017-2019), số tiền ủng hộ người nghèo qua Quỹ "Vì người nghèo" và Chương trình an sinh xã hội là 9.656 tỷ đồng (9 tháng đầu năm 2019 là 2.348 tỷ đồng). Trong đó, ủng hộ qua Quỹ "Vì người nghèo" các cấp: 3.053 tỷ đồng: ủng hộ qua Quỹ Trung ương gần 92 tỷ đồng (bao gồm cả ủng hộ người nghèo bằng nhắn tin qua cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 trên 14 tỷ đồng), trong đó 9 tháng đầu năm 2019 được trên 33 tỷ đồng; ủng hộ qua Quỹ 3 cấp địa phương: 2.961 tỷ đồng, trong đó 9 tháng đầu năm 2019 được trên 615 tỷ đồng.

Số tiền ủng hộ qua Chương trình an sinh xã hội là 6.603 tỷ đồng (9 tháng đầu năm 2019 trên 1.700 tỷ đồng). Trong đó, từ năm 2017 đến hết tháng 8/2019, Ngành ngân hàng đã hỗ trợ hơn 3.900 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ tập trung vào 03 lĩnh vực chính, gồm: giáo dục; hỗ trợ hộ nghèo và y tế, trong đó đã xây dựng gần 6.000 ngôi nhà cho người nghèo (9 tháng đầu năm 2019 là 1.400 ngôi nhà), tập trung vào các địa phương còn gặp nhiều khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, với nhiều huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ban vận động Quỹ Vì người nghèo Trung ương xác định mục tiêu nguồn vận động của Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 sẽ tập trung hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo; người cận nghèo, hộ cận nghèo; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất do gặp thiên tai, bệnh tật, cộng đồng nghèo (huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn).

Nội dung hỗ trợ sẽ tập trung xây dựng mới và sửa chữa nhà ở; hỗ trợ tiền mua vật tư, công cụ sản xuất, giống cây, con... ; hỗ trợ cho học sinh đi học, hỗ trợ chữa bệnh khi ốm đau, nằm viện; hỗ trợ cứu đói đột xuất, hỗ trợ người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo thuộc thôn bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn, hộ có thành viên là người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó việc hỗ trợ cũng được thực hiện thông qua chương trình an sinh xã hội: Các công trình dân sinh tại cộng đồng nghèo (xã nghèo, huyện nghèo, thôn bản khó khăn...; khám chữa bệnh...).

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước thời gian qua đã chung tay giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình

 

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới công cuộc giảm nghèo cần tiếp tục đẩy mạnh với sự kiên trì, bền bỉ. Mỗi năm tới đây, cả nước cần phải làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. Chính phủ vẫn đang tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội đoàn kết, nhân ái.

Thủ tướng cũng kêu gọi, các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức quốc tế ở Việt Nam cùng hành động với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Báo cáo kết quả 3 năm 2017 - 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, ở giai đoạn 2015 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn 5,23%, giảm 1,47% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,78%. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung.

Đến nay, cả nước đã có 44/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã công nhận lên phường và 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn).


Phạm Văn 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất