Thứ Năm, 9/1/2025
Người Công giáo thành phố Hồ Chí Minh luôn sống với chuẩn mực và đáp lại lời mời gọi của Tin mừng “Mình vì mọi người”
 
Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm và tặng quà Hồng y Phạm Minh Mẫn, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp Giáng sinh năm 2015. Ảnh: Chi Mai 

Hưởng ứng phong trào “Người tốt, việc tốt” trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, 5 năm qua các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo đã rất tích cực thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân cư. Kết hợp rao giảng Lời Chúa, các vị linh mục Hạt trưởng, chánh, phó xứ thường xuyên mời gọi, động viên bà con giáo dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “gia đình văn hóa”, xây dựng “đô thị văn minh”.

Đồng thời, chính các vị cũng luôn là tấm gương tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong việc vận động giáo dân tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương; phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con giáo dân tích cực bảo vệ môi trường “xanh, sạch, đẹp”, tham gia phòng chống tội phạm, kiên quyết đẩy lùi tệ nạn xã hội, phấn đấu cùng nhau xây dựng cũng như giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 5 năm qua đã có gần 147 ngàn gia đình giáo dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa các cấp, trong đó cấp thành phố có 656 gia đình, cấp quận, huyện có gần 36 ngàn gia đình và cấp phường, xã có hơn 110 gia đình.  

Phong trào “Người tốt, việc tốt” trong thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Người khuyết tật”, đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia tích cực của nhiều giáo xứ, cộng đoàn tu và bà con giáo dân, với nhiều cách thức, giải pháp sáng tạo, đa dạng và phong phú. Điển hình như Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Phaolô, 42 Tú Xương, quận 3, hàng năm cấp học bổng cho khoảng gần 2.000 sinh viên, học sinh, hỗ trợ cho trên 700 em học các lớp học tình thương với 80 giáo viên trực tiếp giảng dạy; hỗ trợ thường xuyên cho gần 1.000 bệnh nhân nghèo bữa ăn tình thương, tổng giá trị mỗi năm trên 9 tỷ đồng. Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Thiên Tân, quận Tân Phú do anh Nguyễn Quốc Phong (một người khiếm thị) làm chủ nhiệm với khẩu hiệu “Vượt qua bóng tối nhờ giáo dục”, nhằm tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nền giáo dục toàn diện và phù hợp, giúp trẻ phát triển hết tiềm năng, có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để vươn lên vui sống tự lập và hòa nhập xã hội. 5 năm qua, đã có 60 em “tốt nghiệp”, có cuộc sống tự lập với việc làm ổn định như: làm giáo viên, nhạc công, mở phòng vật lý trị liệu, làm bàn chải, nhân viên mát-xa; có 9 em đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 5 em tình nguyện ở lại dạy học. Hiện cơ sở đang nuôi dạy 26 em khiếm thị, tuổi từ 12 đến 26; trong đó có 5 em đang học đại học, 15 em học trung học và 10 em học nghề. Trường tình thương Ánh Linh tại quận 7 đang có trên 250 em học sinh đều là những em có hoàn cảnh khó khăn, đang được học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 9. Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Phước được thành lập bởi sáng kiến của linh mục Phan Khắc Từ (Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh) hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 150 em khuyết tật và nhiễm chất độc da cam. Bà Phạm Thị Vang, một giáo dân giáo xứ Gia Định, quận Bình Thạnh, trong 5 năm qua đã tặng 30 xe lăn cho người tàn tật, 4 xe tập đi cho người bị tai biến, trao 30 thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây nhà tình thương, tham gia ủng hộ các cuộc vận động của phường... với tổng giá trị gần 110 triệu đồng.

Hoạt động Tiếp sức mùa thi là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần bác ái nối dài và lan tỏa, xuất phát từ một vài giáo xứ triển khai từ năm 2011, với chỉ 30 điểm đón tiếp, đến năm 2015 đã nhân rộng ra nhiều giáo xứ, có 60 điểm tiếp đón với hơn 7.000 chỗ trọ miễn phí phục vụ các sĩ tử và người nhà. Tại các điểm tiếp sức mùa thi, các em được phục vụ chỗ ở, ăn uống và cả việc đưa đón đi lại; nhiều điểm còn bố trí bác sĩ, điều dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho các em. Kinh phí phục vụ cho hoạt động này ước tính khoảng 4,5 tỷ đồng/năm. Tổng kinh phí các giáo xứ, cộng đoàn tu, các cơ sở, tổ chức và cá nhân đồng bào giới Công giáo thành phố đã thực hiện trong lĩnh vực từ thiện và giáo dục 5 năm qua là hơn 184 tỷ đồng.

Với tinh thần “Yêu thương và phục vụ”, các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng với nhiều loại hình hoạt động như mở phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí tại một số giáo xứ, tu viện; tổ chức các đoàn y bác sĩ đến các vùng sâu, vùng xa phục vụ các bệnh nhân nghèo, đang được nhân rộng và đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua, tổng giá trị các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng của các giáo xứ, cộng đoàn tu, cá nhân đồng bào giới Công giáo thành phố đã thực hiện là trên 47,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phong trào hiến máu nhân đạo trong đồng bào Công giáo thành phố được duy trì và đã phát triển đều khắp. Nhiều sáng kiến vận động, nhiều giải pháp tuyên truyền thực hiện có hiệu quả được nhân rộng, lan tỏa khắp trong cộng đồng. Sự tích cực tham gia của các vị linh mục như: linh mục Giuse Lê Hoàng, chánh xứ Thiên Ân tham gia lực lượng xung kích hiến máu nhân đạo, sẵn sàng hiến máu cứu người bất cứ lúc nào; linh mục Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Hoàng Tú, nguyên phụ tá giáo xứ Tân Phú đã hiến máu 35 lần, đã góp phần động viên, khích lệ phong trào ngày càng phát triển. Từ năm 2010 - 2014, đồng bào Công giáo thành phố đã có gần 24 ngàn lượt người hiến máu nhân đạo.

Song song với những hoạt động thiện nguyện ấy, đồng bào Công giáo thành phố luôn ý thức rõ phát triển phải đi đôi với ổn định chính trị và trật tự xã hội, nên đã tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và các tệ nạn xã hội, cảm hóa các đối tượng xấu, góp phần quan trọng giữ gìn trật tự khu phố; luôn tỉnh táo trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình tôn giáo tại Việt Nam, nhằm chia rẽ đoàn kết lương giáo, chia rẽ Đảng, chính quyền với nhân dân. Nhiều thanh niên Công giáo tích cực tham gia lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, như anh Trương Văn Hào, giáo dân Giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang, thành viên ban bảo vệ dân phố Khu phố 2, phường 17, quận Bình Thạnh, nhiều lần phối hợp với các lực lượng tuần tra truy bắt hàng chục đối tượng trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy. Anh Trần Văn Sỹ, thành viên tổ dân phố Khu phố 4, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thường xuyên có mặt ở các điểm nóng thường xảy ra trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng; riêng năm 2010 anh đã trực tiếp bắt 4 vụ, thu hồi tài sản trị giá hàng chục triệu đồng trả lại cho người dân. Anh Lê Minh Đức, giáo xứ Lạng Sơn, phường 13, quận Gò Vấp luôn tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đã bắt 9 vụ mua bán các chất ma túy, thu 71 tép hêrôin giao cho lực lượng công an xử lý. Anh Vũ Văn Minh, giáo xứ Nam Hòa, phường 6, quận Tân Bình, với thành tích 12 lần bắt trộm và nhiều thành tích phòng chống tội phạm, đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.

Ngoài ra, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai, thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác; với nhiều cách làm sáng tạo, sáng kiến mới lạ độc đáo và hết sức hiệu quả; nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu đang được giới thiệu và nhân rộng, mà trong phạm vi một bài viết khó có thể phản ánh được đầy đủ mức độ tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo thành phố 5 năm qua. Tại Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015 vừa qua, đã có 100 tập thể và cá nhân tiêu biểu được Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh biểu dương, khen thưởng.

Có thể nói, trong giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện chủ trương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư - sống tốt đời đẹp đạo” và cuộc vận động “Vì người nghèo”, được đồng bào Công giáo thành phố tích cực thực hiện với tinh thần nâng cao chất lượng, phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, góp sức xây dựng khu dân cư, ấp văn hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những người còn nhiều khó khăn. Kết quả của phong trào thi đua yêu nước và những gương “Người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo thành phố 5 năm qua đã nói lên một thông điệp sâu sắc: Người Công giáo thành phố Hồ Chí Minh luôn sống với chuẩn mực và đáp lại lời mời gọi của Tin mừng “Mình vì mọi người”; luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước, với tương lai của dân tộc; sống Tin mừng ngay trong cuộc sống đời thường “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Phát biểu tại hội nghị biểu dương “Người tốt việc tốt” trong đồng bào Công giáo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015, Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đánh giá cao kết quả từ phong trào; cho rằng đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa; đồng thời kêu gọi mọi Kitô hữu hãy tiếp tục hưởng ứng tham gia tích cực hơn nữa theo tinh thần Thư chung 1980 “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm”. Phong trào thi đua yêu nước và những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo thành phố Hồ Chí Minh đã và đang làm cho phương châm “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” ngày càng được thể hiện ý nghĩa và sâu sắc hơn.

Đỗ Văn Phớn

Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất