Thứ Năm, 23/1/2025
Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong tiến trình lịch sử dân tộc

 Nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương


Với người Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản vô cùng quý giá, là biểu tượng cội nguồn của quốc gia, dân tộc, phản ánh một ý thức hệ sâu sắc như một sự minh triết được cha ông truyền lại cho đến hôm nay. Ở thời đại Hùng Vương các hình thức tín ngưỡng đã hình thành ở dạng nguyên thủy. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tín ngưỡng thờ  cúng Hùng Vương, dựa vào các thông tin khoa học của các cuộc khai quật phế tích các năm 1997 - 1999 - 2002 trên núi Hùng đã tìm thấy các mảnh gốm, ngói mũi hài xác định niên đại vào thế kỷ thứ XV. Bên cạnh tư liệu khảo cổ học thì có thể căn cứ vào tư liệu viết là cuốn “Ngọc phả Đền Hùng” với tên gọi đầy đủ là “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” có niên đại soạn đầu tiên vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470). Niên đại sao chép lại vào năm Hoằng Định nguyên niên (1600) đã nhắc đến đền Thượng (điện Kính Thiên) và chùa Thiên Quang “…Vua Hùng Huy Vương lại dựng đền cửu Trùng Tiên trên núi Nghĩa Lĩnh để làm Điện Kính Thiên, thời thường khấn khứa thấu đến lòng trời… Vua hưởng trị nước 87 năm, sống lâu gần trăm năm mới mất. Chôn ở đằng trước núi, hướng càn tốn…”.

Như vậy, căn cứ vào nguồn tư liệu khảo cổ học và các tư liệu viết thì có thể khẳng định ở thế kỷ XV trên núi Hùng đã có 1 ngôi chùa Thiên Quang và ngôi Đền Thượng (Điện Kính Thiên) và như vậy ít nhất vào thế kỷ XV đã xuất hiện công trình kiến trúc - Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trên núi Hùng.

Tuy nhiên cũng cần xem xét thêm ở góc độ mối quan hệ giữa trạng thái văn hóa vật thể và phi vật thể. Tín ngưỡng là trạng thái văn hóa phi vật thể, còn hệ thống kiến trúc Đền là trạng thái văn hóa vật thể. Văn hóa vật thể và phi vật thể luôn đan xen gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời văn hóa phi vật thể ra khỏi văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể bao giờ cũng có trước văn hóa vật thể. Trong trường hợp này tín ngưỡng thời Hùng Vương có trước khi xây đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh.

Một số nhà khoa học cũng cho rằng: Việc tôn thờ những nhân thần là một hình thức tín ngưỡng đặc sắc ở thời Hùng Vương. Ý thức về giống nòi và tập thể cộng đồng đã dẫn tới việc sùng bái trước hết là Tổ tiên và những người đi đầu cộng đồng của mình, từ hẹp đến rộng. Vị thần - người lớn nhất bấy giờ - hiển nhiên là thủ lĩnh tối cao của các miền đất đai và tộc người lúc ấy: Vua Hùng. Sự sùng kính những nhân vật cụ thể này đã đi tới chỗ đồng nhất họ với hệ thống các vị thần trừu tượng tồn tại sẵn trong quan niệm tín ngưỡng từ trước đấy của người thời Hùng Vương: Chim cá rồi Âu Cơ và Lạc Long Quân. Như vậy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thể đã có từ người Việt cổ, từ buổi khai sinh lập nước và bền bỉ tồn tại và phát triển cùng tiến trình lịch sử Việt Nam, song hành và tạo nên một giá trị văn hóa đặc biệt trong đời sống tinh thần người Việt. Hiện nay, theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 1.417 di tích có liên quan đến các Vua Hùng, những di tích thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ, thờ vợ con tướng lĩnh, Hùng hầu, Hùng tướng của các Vua Hùng. Riêng ở tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng (giỗ Tổ Hùng Vương) là trung tâm tín ngưỡng thờ các vua Hùng, đã trở thành lễ hội lớn nhất của cả nước. Khái lược về lễ hội Đền Hùng có thể thấy: trước đây Xuân, Thu, nhị kỳ các địa phương quanh núi Hùng thường tổ chức nghi thức cúng lễ và tiệc cầu vào mùa xuân. Thời Lê (thế kỷ XV - XVII) lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong 3 ngày. Diễn trường của lễ hội bao gồm từ đình làng Cổ Tích lên đến núi Hùng. Truyền thuyết kể rằng: ngày Giỗ Tổ là ngày kỵ của vua Hùng thứ 6 - Hùng Huy Vương- Ngôi mộ được táng trên đỉnh núi Hùng. Cổ lệ, ngày Giỗ là ngày 11 tháng 3 âm lịch hằng năm - Từ ngày 9 tháng 3 âm lịch, dân làng mở cửa đình, rước kiệu từ đình Cả lên đền Thượng làm lễ mở cửa  đền, xong rước sắc từ đền Thượng về các đền cáo tế. Ngày 10 tháng 3 âm lịch làm lễ chính ở đình Cả dưới hình thức tế thần bằng cỗ tế tam sinh (dê đực, lợn đực, bò đực). Ngày 11/3 âm lịch lễ tạ ở đình Cả xong rước sắc lên đền Thượng làm lễ đóng cửa đền.

Thế kỷ thứ XVII - XVIII do sự phát triển của dân địa phương các làng mới lập là làng Vi, làng Trẹo vốn gốc từ dân làng Cổ Tích, theo truyền thống văn hóa tín ngưỡng cùng làm lễ mở cửa đền vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, lễ hội đã mở rộng trong cả một vùng rộng lớn với nhiều làng xã tham gia. Lễ hội Đền Hùng lúc đầu chỉ ở một làng, vài làng rồi sau lan ra một vùng và lan rộng trong toàn quốc trở thành nghi lễ mang tính quốc gia.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được nhân dân cả nước và các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lê - Nguyễn đã rất chú trọng. Trong cuốn “Ngọc phả Đền Hùng” đã cho thấy nhà nước thời Lê đã có cơ chế, chính sách cho hoạt động tín ngưỡng thờ Hùng Vương: “Chuẩn cho miếu, điện và các làng đăng cai (thôn Trung Nghĩa; xã Nghĩa Cương này) tô thuế, binh dân và sưu sai, tạp dịch vẫn theo lệ cũ phụng thờ các Vua Hùng để dài quốc mạch, lưu thơm muôn đời”.

Thời Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích, chỉ giữ lại thần tốt và phúc thần, loại bỏ các tà thần. Hùng Vương được vào hàng Thượng Đẳng thần, rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu “Lịch đại đế vương” - Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng… Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức lễ giỗ tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Vào năm 1917 (năm Khải Định thứ 2) quan tuần phủ Lê Trung Ngọc xin Bộ Lễ ấn định ngày quốc lễ vào 10/3 âm lịch (tức trước ngày húy của Vua Hùng một ngày -  ngày 11 để dân sở tại làm lễ. Bộ Lễ đã thẩm xét và quy định cụ thể các phẩm phục, lễ phẩm, lễ nghi trong những ngày giỗ tổ một cách chặt chẽ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18 tháng 2 năm 1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 01 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người cũng nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì. Cụ thể, từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết (năm 1999), Nghị định (năm 2001, năm 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như Quốc lễ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.

Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Ngày 01/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 465/TTG-KGVX phê duyệt “Đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm”, trong đó giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia tổ chức của 3 đến 5 tỉnh, thành phố đại diện 3 miền Bắc - Trung - Nam trong cả nước.

Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể: năm lẻ 5, năm khác, tại Phú Thọ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ là Chủ lễ dâng hương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di tích, đền thờ Vua Hùng tổ chức dâng hương tưởng niệm; nghi thức tưởng niệm thực hiện thống nhất trong cả nước theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Năm tròn: tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia. Tại các di tích thờ Hùng Vương và danh nhân danh tướng thời Hùng Vương trên cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều tổ chức lễ dâng hương tri ân công đức các Vua Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc. Với những giá trị đặc trưng và độc đáo, ngày 6/12/2012 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trên vùng đất Phú Thọ có thể thấy dày đặc các truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian, các diễn xướng, các lễ hội truyền thống đều gắn kết với chủ đề dựng nước và giữ nước thời đại các Vua Hùng. Với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cứ mỗi độ xuân về đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại hướng về nơi cội nguồn dân tộc, hành hương về Đất Tổ với niềm tự hào và tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên./.

Nguyễn Đắc Thủy, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi