Chủ Nhật, 17/11/2024
Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương “Dân vận khéo” trong giải quyết tố tụng dân sự
 
Các thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương (bên trái) giải thích
pháp luật cho các đương sự.
 


Trong năm vừa qua, có đến 85,6% các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính được Tòa án nhân dân huyện hòa giải thành. Điều này vừa giúp giảm áp lực giải quyết các vụ án, vừa giúp các đương sự giữ được mối quan hệ đoàn kết, đảm bảo lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật.

Người dân ở thôn Làng Thiện, xã Thiện Kế rất phấn khởi vì một vụ tranh chấp đất đai nổi cộm trong thôn vừa được giải quyết thấu tình, đạt lý. Vụ tranh chấp giữa những người thân trong 1 gia đình kéo dài khiến bố mẹ phải đệ đơn kiện con cái. Sau khi tiếp nhận đơn, cán bộ Tòa án nhân dân huyện đến tận nơi xác minh, tìm hiểu nội tình, trò chuyện với đương sự và bà con trong xóm.

Vụ việc sau đó được hòa giải tại trụ sở tòa án. Người con vui vẻ trả lại một nửa diện tích thửa đất trước đó đã đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố mẹ. Gia đình lại hòa thuận, êm ấm, thôn xóm đoàn kết bắt tay nhau xây dựng nông thôn mới.

Thẩm phán Ma Thị Tuyết Mai, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện cho biết, điểm “mấu chốt” ở những vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình là có sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc thiếu sự thông cảm giữa các bên đương sự. Do vậy, việc hòa giải các vụ việc này chú trọng giải thích pháp luật và sự tự thỏa thuận, tự giải quyết của đương sự.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho nhân dân thông qua việc giải quyết các vụ án dân sự là một hình thức dân vận trực tiếp, hiệu quả nhất. Vì vậy, khi thực hiện công tác chuyên môn, Tòa án đã chủ động lồng ghép việc giáo dục pháp luật cho đương sự, cũng như nhân dân trong từng giai đoạn tố tụng.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, Tòa án nhân dân huyện đã tiếp nhận và giải quyết 392 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình và hành chính. Trong đó, có 333 vụ hòa giải thành công và tổ chức đối thoại thành công 1 vụ án hành chính. Các vụ việc này đã được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án do các đương sự tự rút đơn.

Việc phân tích, giải thích pháp luật được thực hiện ngay từ giai đoạn xử lý đơn và xuyên suốt trong quá trình tố tụng. Trong mỗi vụ án cụ thể, để có thể nắm bắt thêm về các lĩnh vực mà họ đang giải quyết, các thẩm phán, thư ký của đơn vị đã dành thời gian học hỏi, trau dồi về kiến thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội...

Nội dung giáo dục pháp luật không chỉ là những nội dung trực tiếp liên quan đến vụ việc mà còn có những nội dung mang tính chất tuyên truyền, khích lệ, vận động đối với đối tượng được giáo dục, từ đó đã khẳng định được hiệu quả của việc giáo dục pháp luật, đồng thời giải quyết toàn diện được vụ việc.

Đối với những vụ việc phức tạp, ngoài nghiên cứu hồ sơ, văn bản pháp luật liên quan, Tòa án nhân dân huyện đã cử cán bộ phụ trách đến tận cơ sở nơi cư trú của đương sự để tìm hiểu nguyên nhân và những mâu thuẫn phát sinh. Từ đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và nguyên nhân chính của vấn đề để có phương án hòa giải đúng đắn. Bên cạnh đó, Tòa còn phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức hòa giải.

Theo các cán bộ, thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân huyện, để có kết quả hòa giải tốt thì không chỉ dừng ở việc trau dồi kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội mà còn phải biết làm “dân vận khéo”. Phương châm của ngành là “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Đây cũng là phương châm để mỗi cán bộ, thẩm phán, thư ký tòa thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 15/02/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất