Thứ Hai, 13/1/2025
'Dân vận khéo' để thay đổi tập quán sản xuất ở Vĩnh Sơn
 
 Nông dân xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn) canh tác theo mô hình thâm canh lúa mới. Ảnh: Lê Thanh


Là xóm vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn), xóm 6 có 100% hộ dân (108 hộ) sản xuất nông nghiệp. Để từng bước thay đổi tập quán sản xuất lúa cho nông dân, năm 2017, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Anh Sơn triển khai mô hình dân vận khéo thay đổi tập quán thâm canh sản xuất lúa theo phương pháp SRI tại thôn 4 và thôn 6, xã Vĩnh Sơn. Diện tích thực hiện mô hình ở cả 2 vụ sản xuất lúa là 10ha, với 70 hộ tham gia.

Bí thư Chi bộ thôn 6 xã Vĩnh Sơn Nguyễn Bá Thắng chia sẻ: “Để người dân tin tưởng, bí thư chi bộ, đảng viên xung phong thực hiện diện tích trồng lúa của gia đình theo phương pháp mới. Đồng thời, chi bộ đã thành lập tổ vận động để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mô hình rất tích cực, trách nhiệm. Nhờ đó, 40 hộ trong thôn đã đăng ký tham gia mô hình”.

Đối với Chi bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Anh Sơn, việc triển khai mô hình gặp không ít khó khăn do bước đầu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên bà con nông dân còn nhiều bỡ ngỡ, chưa tin tưởng nên chưa mạnh dạn áp dụng; ruộng manh mún; trình độ về kỹ thuật thâm canh của nông dân không đồng đều...

Đồng chí Hoàng Xuân Vân - Bí thư Chi bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Anh Sơn cho biết: “Để mô hình được triển khai ngay từ đầu các vụ sản xuất, Chi bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Anh Sơn đã xây dựng kế hoạch, sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý đảm bảo cho cán bộ, đảng viên tham gia có hiệu quả nhất. Đồng thời, Chi bộ đã phân công các đồng chí đảng viên phụ trách công tác thực hiện mô hình, giải quyết chỉ đạo những vấn đề phát sinh, chỉ đạo và nắm chắc tình hình thực hiện mô hình, triển khai công tác tập huấn chuyển giao nội dung SRI cho bà con nông dân”. Theo chu kỳ sinh trưởng của lúa, chi bộ cử cán bộ và cùng với bà con nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật...

Kết quả, theo thực tế bà con sử dụng giống làm mạ đầu vụ thì lượng giống làm theo phương pháp SRI giảm được trên 24 - 30 kg/ha (55 - 60%). Tỷ lệ bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu... trên khu ruộng mô hình thấp hơn so với khu ruộng đối chứng làm theo tập quán của bà con nông dân. Năng suất thực thu trên mô hình làm theo phương pháp SRI là 60 - 65 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với cách làm cũ. Cân đối thu chi ruộng mô hình SRI lãi cao hơn so với phương pháp làm theo tập quán nông dân là 4.800.000 - 6.200.000 đồng/ha.

Hiện nay, người dân ở Vĩnh Sơn đang từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Sơn Phan Bá Trung, thành công của các mô hình trước hết là nhờ vào vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên ở các chi bộ được chọn triển khai. Không chỉ làm thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, hiệu quả của mô hình là cơ sở để xã triển khai mô hình đồng mẫu lớn với 40ha vụ đông xuân năm 2018.

Nguồn: baonghean.vn, ngày 25/2/2018


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất