Thứ Hai, 13/1/2025
Nâng chất, nhân rộng các mô hình thi đua “Dân vận khéo” ở Phú Yên

Phong phú các mô hình

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hướng về cơ sở và đạt kết quả tích cực. Qua đó vận động, khích lệ nhân dân, đoàn viên, hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, khai thác, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là các mô hình “Sản phẩm du lịch cộng đồng, sản xuất rau an toàn” của người dân thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), “Vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường bê tông nông thôn” của tổ dân vận buôn Thung (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh), “Chuyển đổi cây sắn sang trồng nghệ cao sản” của người dân thôn Tân Đạo (xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa), “Vận động nhân dân nhân rộng mô hình nuôi tôm xen cua” của Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) Nguyễn Đình Phú… Cụ thể, từ 12 hộ tham gia dự án ban đầu vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay, mô hình “Vận động nhân dân nhân rộng mô hình nuôi tôm xen cua” đã phát triển trong toàn xã Xuân Lộc với hàng trăm hộ thả nuôi trên diện tích hơn 100ha. Nhờ vậy trực tiếp giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho trên 350 lao động, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo và công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã. Ông Nguyễn Chí Tâm ở thôn Thạch Khê - một trong những hộ tham gia mô hình này cho biết: “Cái hay là việc nuôi tôm xen cua tuy quy mô nhỏ nhưng an toàn, rất phù hợp với đặc thù địa phương. Tùy theo quy mô đầu tư, thu nhập ít nhất từ 50-100 triệu đồng/vụ, giúp cho cuộc sống gia đình ngày càng ổn định”.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nổi bật là các mô hình “Vận động nhân dân làm nhà xí hợp vệ sinh và xây dựng hàng rào quanh nhà” của Chi bộ buôn Bưng A (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh), “Câu lạc bộ biển xanh - làm sạch bờ biển” của Hội LHPN - Đoàn Thanh niên thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), “Tổ chức lớp bán trú cho trẻ lớp mẫu giáo, mầm non” của Trường mẫu giáo xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu), “Heo đất tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để giúp đỡ chị em, hội viên phụ nữ gặp khó khăn” của Hội LHPN xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Còn trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, có thể kể đến các mô hình “Hỗ trợ pháp lý cho người lầm lỗi” của Trưởng Công an xã An Hòa (huyện Tuy An) Nguyễn Văn Sâm, “Địa bàn dân cư không có tệ nạn xã hội” của cán bộ, nhân dân thôn Vĩnh Sơn (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh), “Trường học an toàn về an ninh trật tự và an toàn giao thông” của Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Đông Hòa)…

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Hào, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa rõ rệt trong cộng đồng; khơi dậy ý thức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân. Qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Còn Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa Đặng Thị Thu Thủy chia sẻ: Năm 2017, chúng tôi phối hợp với các cấp chính quyền, các đoàn thể, các khu dân cư triển khai một số mô hình “Dân vận khéo” mới phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Đó là các mô hình “Tuyến đường 2 không: không rác; không lấn chiếm lòng, lề đường” ở 9 phường nội thành, “Khu dân cư an toàn giao thông, môi trường sạch đẹp” ở 16 phường, xã, “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” ở các xã Bình Ngọc, Bình Kiến, An Phú, Hòa Kiến, “Khu dân cư thân thiện môi trường biển” ở phường 6, phường Phú Đông và xã An Phú… Các mô hình này đã từng bước đi vào cuộc sống, nên bộ mặt phố phường, làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng TP Tuy Hòa trở thành đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại đã được nâng cao hơn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Bên cạnh những kết quả tích cực, phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn các hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là có địa phương, đơn vị chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào, chưa chủ động trong việc nhân rộng các mô hình hay, các cách làm hiệu quả. Một số mô hình “Dân vận khéo” đã đăng ký xây dựng nhưng hoạt động chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” chưa được tiến hành thường xuyên; việc huy động nguồn lực thực hiện các mô hình, điển hình còn có một số hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc về công tác dân vận nói chung và thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, còn coi phong trào là của hệ thống dân vận cấp ủy. Bên cạnh đó, các tổ chức trong hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở chưa thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong mọi hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

“Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt hiệu quả sâu rộng và toàn diện hơn trong thời gian tới, vấn đề quan trọng là cần tiếp tục nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Có đăng ký, xây dựng rồi nhưng người đứng đầu chưa tích cực đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thì mô hình rất khó phát huy tác dụng trong thực tiễn. Thực tế cho thấy nơi nào người đứng đầu quan tâm mạnh mẽ thì nơi ấy, guồng máy triển khai mô hình mới vào cuộc năng nổ và đạt kết quả tốt”, ông Huỳnh Hào nhấn mạnh.

 

Năm 2017, toàn tỉnh có 292 tập thể và 238 cá nhân đăng ký thực hiện 615 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền. Trong đó, TX Sông Cầu có 29 tập thể và 27 cá nhân đăng ký xây dựng 86 mô hình; huyện Sông Hinh có 88 tập thể và 19 cá nhân đăng ký xây dựng 107 mô hình; huyện Đồng Xuân có 8 tập thể và 106 cá nhân đăng ký xây dựng 186 mô hình; huyện Tuy An có 30 tập thể và 47 cá nhân đăng ký xây dựng 77 mô hình; TP Tuy Hòa có 97 tập thể và 39 cá nhân đăng ký xây dựng 136 mô hình; Công an tỉnh có 40 tập thể đăng ký xây dựng 41 mô hình.

(Nguồn: Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 
Nguồn: baophuyen.com.vn, ngày 27/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất