Gần một đời gắn bó với đồng bào Khmer trên địa bàn ấp Tân Lợi, xã Thạnh Tân (Thạnh Trị, Sóc Trăng), ông Sơn Sóc Hiên được mọi người kính trọng bởi tấm lòng nhân ái, lối sống hết lòng vì cộng đồng.
Từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Tân 2, ông Sơn Sóc Hiên được người dân quý mến bởi sự tận tâm với học sinh. Theo lời ông, hồi trước đa số ở đây là hộ nghèo, làm nghề giáo như ông lương cũng chỉ “ba cọc ba đồng”. Nhiều gia đình bắt con nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình, nhưng ông đã khuyến khích để các em đi học lại, ít nhất nếu không thành đạt thì cũng xóa mù chữ. Với gia đình mình, dù thiếu thốn nhưng ông vẫn luôn động viên các con phấn đấu học tập để tự lo thân và giúp ích xã hội. Nhờ vậy mà 6 người con của ông đều có nghề nghiệp ổn định, vui nhất là có đứa nối nghiệp cha vì sự nghiệp “trồng người”.
Mấy mươi năm tâm huyết mang cái chữ đến con em đồng bào Khmer, khi tuổi đã xế chiều, ông vẫn chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Ông Hiên chia sẻ: “Giờ đây, mỗi khi có học sinh bỏ học, các giáo viên đều nhờ tôi phối hợp đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em ra lớp. Hiện nay, tỷ lệ học sinh, đặc biệt là học sinh Khmer bỏ học ở Thạnh Tân rất thấp”.
Những gia đình có con đang học lớp 12 nhưng chưa định hướng được nghề nghiệp, phụ huynh thường đến nhờ ông hướng dẫn, tư vấn. Nói riêng ở ấp Tân Lợi, dù ấp thuộc vùng sâu và đa số là đồng bào Khmer nhưng tinh thần hiếu học rất cao. Hiện nay có khoảng 16 em đã tốt nghiệp đại học và 6 em đang học đại học, còn nhiều em đang học cao đẳng hoặc trung cấp nghề.
Với mong muốn diện mạo vùng sâu sẽ đổi khác từng ngày, ông Sơn Sóc Hiên lại bắt tay vào công tác vận động xây dựng những công trình phúc lợi tại địa phương. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, gia đình ông đã trực tiếp đóng góp và vận động thêm mạnh thường quân được hơn 200 triệu đồng để sửa đường giao thông nông thôn. Đồng thời, vận động tổ chức từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh xây dựng được 13 cây cầu kiên cố với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.
Bên cạnh đó, với vai trò là người có uy tín cấp huyện, ông luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động. Bằng kinh nghiệm của người thầy, ông chịu khó lắng nghe và nhiệt tình giải thích, hướng dẫn, vận động bà con xóa dần các hủ tục lạc hậu. Ông còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên hộ nghèo hăng hái lao động, sản xuất và tham gia hòa giải tốt những mâu thuẫn, làm thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.
Hiện tại, ông Sơn Sóc Hiên còn là Trưởng Ban Quản trị chùa Poong Tức Chắc, là một “già làng” với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đặc biệt, ông còn góp phần vực dậy phong trào đua ghe ngo của địa phương, những năm gần đây mỗi lần tham gia các giải đua, đội ghe ngo của chùa Poong Tức Chắc đều đạt thứ hạng cao.
Ông Hiên bộc bạch: “Hiện tại, tôi đang tích cực phối hợp vận động kinh phí xây dựng mới một số hạng mục cho nhà chùa để phát huy tốt hơn nơi sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, góp phần vì sự phát triển của cộng đồng Khmer”.
Phước Liêu