Thứ Bảy, 11/1/2025
Dân vận khéo ở Bình Sơn: Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Sơn Nguyễn Thị Tố Nga trao tiền hỗ trợ cho
học sinh nghèo ở xã Bình Nguyên 

"Sáng kiến" bảo vệ môi trường

Trong khi một số địa phương còn đang loay hoay tìm hướng xử lý rác thải ở nông thôn, thì ở thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ, người dân đã có cách làm sáng tạo, đó là mỗi nhà tự xây dựng một lò đốt rác mini ở sau vườn. Hằng ngày, người dân thu gom rác thải của gia đình cho vào lò đốt, giải quyết bài toán xử lý rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện mô hình trên, khối dân vận xã tập trung vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu “xây lò xử lý rác thải tại nhà”. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nhận thức tác hại của việc vứt rác thải bừa bãi, nhờ vậy, người dân đã đồng thuận với chủ trương “xây lò xử lý rác thải tại nhà” và tự giác tham gia mô hình.

Bà Đặng Thị Phú, người dân thôn Phước Tích cho biết: "Trước đây, nhiều hộ gia đình ở thôn cứ có rác là vứt ra ven đường, dọc các kênh mương gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan làng xóm. Từ khi tham gia mô hình ngày nào tôi cũng tự gom rác thải để đốt. Nhà nào giờ cũng làm vậy, nên môi trường sạch sẽ".

Việc xây dựng lò xử lý rác thải tại nhà khá đơn giản. Tổng chi phí cho một lò đốt khoảng 1,5 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 400 nghìn đồng/lò. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Trần Quang Hà, toàn xã hiện đã xây dựng được 37 lò xử lý rác, nhân dân rất hài lòng. Kinh nghiệm của địa phương là phải chọn mô hình thiết thực với người dân, để tạo sự đồng tình cao. Tiếp đến là hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh, cán bộ phải gương mẫu và làm cho nhân dân thực sự tin thì triển khai mới hiệu quả.

Quỹ tiết kiệm nhân ái

Đã thành thông lệ, sau lễ chào cờ đầu tháng, cán bộ, công nhân viên, lao động tại hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Bình Sơn lại dành một khoản tiền đưa vào quỹ tiết kiệm. Hoạt động này duy trì từ cuối năm 2017 và được đăng ký là mô hình "dân vận khéo" với tên gọi “Tiết kiệm làm theo Bác hỗ trợ hộ nghèo”. Chỉ tính riêng năm 2018, 62 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã vận động gần 600 triệu đồng, để giúp đỡ 619 hộ nghèo.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Sơn Nguyễn Thị Tố Nga cho biết: Ngoài giá trị về vật chất, mô hình trên thể hiện được tấm lòng nhân ái của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong huyện. Mô hình này được các cấp hội phụ nữ thực hiện từ 3 năm nay, với hơn 200 phụ nữ nghèo, đơn thân, trẻ em khuyết tật, mồ côi đã được chị em phụ nữ huyện nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên mỗi tháng 200.000 đồng đến 300.000 đồng hoặc 10 đến 20 kg gạo.

Để có được nguồn quỹ hỗ trợ, chị em đã tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm gạo, đi thu gom phế liệu để bán. Các tổ dịch vụ nấu đám tiệc của chị em phụ nữ trong huyện cũng trích kinh phí để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình “Tiết kiệm làm theo Bác hỗ trợ hộ nghèo” là một trong số gần 1.000 mô hình dân vận khéo được thực hiện ở huyện Bình Sơn, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

“Các mô hình, điển hình dân vận khéo đã và đang tạo sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, khơi dậy sức dân tham gia hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện”, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư khẳng định.

Thanh Thuận/ baoquangngai.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất