Thứ Sáu, 15/11/2024
“Dân vận khéo” ở Tri Tôn
“Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới được phát huy

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2017, xã Tà Đảnh (Tri Tôn) luôn nỗ lực duy trì và nâng chất tiêu chí, chỉ tiêu, đảm bảo đạt chuẩn một cách bền vững. “Năm 2018, địa phương tiếp tục phối hợp ngành chức năng tiến hành thẩm tra, rà soát, xét công nhận các tiêu chí và chỉ tiêu theo quy định. Quá trình xây dựng NTM cũng như việc duy trì, nâng chất để tiến tới đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”, địa phương luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là nông dân giỏi và các cơ sở sản xuất giống” - Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Nguyễn Thành Kim nhấn mạnh.

Nhờ thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, xã Tà Đảnh đã huy động các nguồn lực sửa chữa và cất mới hơn 170 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn, xóa hoàn toàn nhà tạm, dột nát, xây dựng mới trên 10 cây cầu nông thôn, thảm nhựa, đổ bê-tông hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp, đường ra cánh đồng... Tương tự, đối với xã biên giới Vĩnh Gia, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động nhân dân, doanh nghiệp cùng chung sức nâng chất theo bộ tiêu chí mới. Giờ đây, cùng với tuyến đường lên biên giới giáp Campuchia được thông thương, bộ mặt nông thôn của xã Vĩnh Gia gần như thay đổi hẳn. Có được hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đường ra cánh đồng thuận lợi, nông dân yên tâm tăng gia sản xuất, phát huy lợi thế kinh tế vùng biên.

Giống như 2 xã tiên phong là Vĩnh Gia và Tà Đảnh, xã Lương Phi tập trung vào các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM để phấn đấu đạt chuẩn vào giữa năm 2019. Với đặc thù có 3/8 ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, địa phương đang phát huy truyền thống anh hùng (có căn cứ Tỉnh ủy ở Ô Tà Sóc trong kháng chiến chống Mỹ), sự đồng lòng của người dân để sớm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Lan tỏa các phong trào thi đua

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, đồng thời đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các điển hình. “Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Hàng năm, Huyện ủy đều xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị cơ sở triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả phong trào. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào, từ đó chỉ đạo, định hướng xây dựng mô hình, điển hình sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị” - ông Giang thông tin.

Qua thực hiện “Dân vận khéo”, nhiều mô hình hay, hiệu quả đã xuất hiện. Tiêu biểu như: các mô hình hùn vốn xoay vòng ở xã Ô Lâm, Núi Tô, Châu Lăng; nắm gạo tình thương ở xã Tà Đảnh; Tổ phụ nữ tiết kiệm trong địa bàn dân cư ở thị trấn Ba Chúc; thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ở xã Tân Tuyến... Ở xã Lương Phi, UBMTTQ xã đã vận động trong và ngoài tỉnh mua mới được xe chuyển bệnh chuyên dụng trị giá 690 triệu đồng, trong khi UBMTTQ thị trấn Ba Chúc, xã Tà Đảnh, Lê Trì vận động hơn 1 tỷ đồng gắn đèn giao thông nông thôn. Năm 2015, qua công tác vận động, có 16 cây cầu nông thôn được cất mới (trị giá hơn 2 tỷ đồng), 32,9km đường giao thông được nâng cấp (tổng trị giá gần 2,44 tỷ đồng và 1.050 ngày công lao động), 183 căn nhà Đại đoàn kết, 29 căn nhà Tình nghĩa, 3 căn nhà Đồng đội được cất mới, 12 căn được sửa chữa (trị giá khoảng 5 tỷ đồng). Các năm 2016, 2017 và 2018, hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” đã xuất hiện, góp phần quan trọng vào xây dựng NTM, đô thị văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nếu như trước đây, Tri Tôn là địa bàn rất phức tạp về khiếu nại, khiếu kiện, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, nội chính, thì đến nay, thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, nỗ lực “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” cùng với tác phong “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, phát huy vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, tình hình đã ổn định hơn rất nhiều. Năm qua, số đơn thư đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 94%, chỉ còn số ít đơn phải chuyển lên cấp trên. Đây là thành công rất lớn khi dân chủ được phát huy, ý kiến nhân dân được lắng nghe thấu đáo.

Ngô Chuẩn/ baoangiang.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất