Thứ Bảy, 11/1/2025
Dân vận khéo ở huyện vùng cao Quan Hóa
Mô hình vườn mẫu kết hợp nuôi cá nước ngọt ở bản Bút, xã Nam Xuân

Theo chân cán bộ xã Nam Xuân, chúng tôi đến thăm bản Bút. Khác với tưởng tượng của chúng tôi về một bản vùng cao giao thông đi lại khó khăn, bản Bút đã khoác lên mình “tấm áo mới”, với các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Hóa ra “luồng gió” của chương trình XDNTM thổi đến đã tạo nên sự đổi thay ở bản Bút. Đưa chúng tôi đi thăm bản, đồng chí Hà Công Chức, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, say sưa kể về cách huy động sức nhân dân trong XDNTM. Sau khi Nhà nước đầu tư tuyến đường trục chính của bản dài 7 km nối từ Quốc lộ 15C đi lên hồ Pha Đay, chi bộ bản đã nhân cơ hội vận động nhân dân “chung tay” xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Với tinh thần đoàn kết, các hộ dân trong bản đã tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 200.000 đồng/năm và ngày công, nguyên vật liệu để bê tông hóa 885 m đường giao thông ngõ, xóm; tu sửa 934 m kênh mương, trồng hàng rào cây xanh xung quanh nhà văn hóa bản. Chi bộ bản Bút còn đẩy mạnh công tác, vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng. Nghe theo cán bộ, 105 hộ dân trong bản luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Nhờ vậy, nhiều năm liền, ở bản Bút không có tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và phát sinh thêm người mắc các tệ nạn xã hội. Để giữ môi trường sống trong lành, bảo vệ sinh thái, dân bản còn ký cam kết không phá rừng. Từ chỗ làm tốt công tác dân vận khéo, chi bộ bản Bút đã khơi dậy được sức dân để hoàn thành xây dựng bản NTM vào cuối năm 2018.

Rời bản Bút, chúng tôi đến xã Phú Nghiêm đúng vào dịp đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vui đón NTM. Sự đổi thay ở Phú Nghiêm hôm nay có dấu ấn đậm nét của hệ thống dân vận cơ sở. Dưới sự lãnh đạo của đảng ủy xã, MTTQ và các đoàn thể - chính trị xã hội địa phương đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong tập hợp, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững. Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được nhân dân trong xã xây dựng như: Nuôi cá ở bản Ka Me, trồng bưởi ở bản Đồng Tâm và bản Vinh Quang. Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây, con mới vào sản xuất, nhân dân trong xã còn chú trọng phục tráng, thâm canh rừng luồng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của loài cây được xem là chủ lực của địa phương. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Phú Nghiêm đã được nâng lên đáng kể, với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 13,76%. Bên cạnh việc giải quyết “bài toán” thu nhập, cấp ủy đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xã còn vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp tiền của, ngày công để xây các công trình phúc lợi trên địa bàn. Với tinh thần tự nguyện chung sức xây dựng quê hương, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 7 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và bê tông hóa được 7,8 km đường giao thông; hiến gần 7.000m2 đất, 35.000 cây luồng, cây ăn quả.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác dân vận, các cấp ủy đảng của huyện Quan Hóa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở. Nhờ vậy, mà công tác dân vận ở Quan Hóa đã phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đồng thời, kịp thời cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến ở cơ sở.

Trần Thanh/ baothanhhoa.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất