Thứ Tư, 24/4/2024
Hiệu quả “Dân vận khéo” ở Lâm Bình
 
Nhân dân thôn Phai Tre, xã Lăng Can (Lâm Bình) đóng góp ngày công
 xây tường rào, khuôn viên nhà văn hóa thôn


Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xã Lăng Can được gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đảng bộ xã chỉ đạo mỗi chi ủy, thôn, bản lựa chọn nội dung, phần việc cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống dân vận. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đưa xã Lăng Can hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 theo kế hoạch. 

Ông Lương Minh Học, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Kè A, xã Lăng Can chia sẻ, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” chi bộ thôn đã lựa chọn nội dung vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Do đó, ngay sau khi có các quy hoạch, chi bộ cùng các ngành chức năng tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân có những phần đất phải giải phóng mặt bằng chủ động hiến đất để các công trình thi công được thuận lợi. Với cách làm này, đã có hơn 20 hộ gia đình trong thôn tình nguyện hiến trên 5.000 m2 đất để xây dựng các tuyến đường bê tông thôn bản. Người dân ai nấy đều phấn khởi khi được đóng góp công sức của mình vào thành quả nông thôn mới của địa phương.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, xã Lăng Can đã có 112 hộ gia đình hiến hơn 17.000 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi của thôn bản; tham gia ngày công xây dựng được 6.356 mét kênh mương thủy lợi; bê tông hóa được gần 400 mét đường giao thông nội đồng và đường vào các khu sản xuất.

Không chỉ riêng ở Lăng Can, mà các xã trên địa bàn huyện Lâm Bình đều thực hiện tốt công tác dân vận với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, có hiệu quả thiết thực”. Đồng chí Đặng Đình Sôi, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Khuôn Hà cho biết, trong năm 2018, toàn xã có 59 tập thể cá nhân đăng ký thực hiện mô hình, nội dung, việc làm về lĩnh vực phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực khác. Điển hình như các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, nuôi cá đặc sản; “Viên gạch hồng”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”... đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đồng chí Hoàng Văn Nha, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Bình, hiện nay tổng số mô hình “Dân vận khéo” đã đăng ký là 637 mô hình. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2018 có 158 tập thể và 204 cá nhân đăng ký thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình tập trung vào các lĩnh vực như: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, chương trình giảm nghèo, giải phóng mặt bằng thi công các công trình, dự án; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự; phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc…

Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã lan tỏa, nhân rộng ra nhiều địa phương. Điển hình như trong lĩnh vực phát triển kinh tế với việc phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản, có lợi thế trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như trồng rau Bò khai tại xã Thượng Lâm, Lăng Can; vùng trồng lạc tại các xã Thổ Bình, Bình An; chăn nuôi lợn đen tại xã Hồng Quang; nuôi cá Lồng tại xã Khuôn Hà, Thượng Lâm… 

"Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình, cách làm “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng homestay, hiện nay ngày càng có nhiều hộ dân ở Lâm Bình tham gia thực hiện du lịch cộng đồng. Mô hình này còn giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tại các thôn bản thực hiện mô hình du lịch cộng đồng đều có các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính và các đội văn nghệ quần chúng luôn sẵn sàng phục vụ du khách. Nhờ đó, những nông sản đặc sản của huyện như cây giảo cổ lam, bò khai, lợn đen, cá bỗng, trứng vịt… đang được đẩy mạnh phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Với nhiều cách làm sáng tạo, phong trào thi đua Dân vận khéo ở Lâm Bình thời gian qua đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân cùng chung tay thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.            

Ngọc Hưng/ baotuyenquang.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất