Xác định sinh nhiều con là nguyên nhân khiến một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó vươn lên thoát nghèo, ngành dân số chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên có chuyên môn, nhiệt tình với công việc. Nhờ sự kiên trì của đội ngũ này nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở vùng sâu, xa, đồng bào DTTS thời gian qua có chuyển biến tích cực. Từ đó ngày càng nhiều thôn, ấp không vi phạm chính sách dân số, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình ấm no, hạnh phúc.
THÔN KHÔNG CÓ NGƯỜI SINH CON THỨ 3
4 năm trở lại đây, thôn 7, xã Bom Bo (Bù Đăng, Bình Phước) là khu dân cư không sinh con thứ 3. Thôn 7 hiện có 80% số dân là đồng bào DTTS. Nhờ sinh ít con, chăm chỉ lao động, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vườn rẫy nên thôn 7 hiện có 50% hộ khá, chỉ còn 9 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Trưởng ấp Chu Văn Hậu cho biết: Thôn có 230 hộ dân, phân bố rải rác, đường giao thông còn nhiều khó khăn. 3 năm nay tuy thời tiết có nhiều bất lợi khiến vườn rẫy mất mùa nhưng cuộc sống người dân vẫn ổn định. Nhận thức được nâng cao nên bà con đã chủ động áp dụng biện pháp tránh thai, không sinh nhiều con để phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt. Thời gian trước, trong thôn còn một số người dân theo đạo chưa chủ động tránh thai. Nhờ đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ thường xuyên tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản nay đã thay đổi.
Điển hình ở thôn 7 có vợ chồng anh Lê Mậu Hùng và chị Lưu Thị Lan (dân tộc Tày) nhờ sinh ít con nên kinh tế phát triển, cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. So với các hộ dân trong thôn có nhiều vườn rẫy thì gia đình anh Hùng chỉ có 1,6 ha đất. Tuy nhiên, được tiếp cận nhiều thông tin từ hội, đoàn thể nên vợ chồng anh Hùng chọn cách phát triển kinh tế tổng hợp để tăng nguồn thu. Trên diện tích đất hiện có, anh Hùng trồng điều xen cà phê, đào ao nuôi cá, nuôi gia cầm và trồng rau sạch để đảm bảo bữa ăn gia đình. Anh Hùng chia sẻ: Vợ chồng tôi biết cách áp dụng biện pháp tránh thai sớm nên chỉ sinh 2 con, cách nhau 5 năm. Sau thời gian chăm sóc con, vợ tôi tranh thủ phụ giúp phát triển kinh tế nên cuộc sống cải thiện hơn. Tôi chủ động tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu kiến thức về cây trồng, vật nuôi nên năng suất vườn rẫy tăng, hiện thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
NHỮNG NGƯỜI “VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG”
Gọi công việc của một cộng tác viên dân số là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” quả không sai và thời điểm ngành dân số có nhiều biến động về tổ chức bộ máy lại càng đúng. Chị Nông Thị Miền, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Bom Bo cho biết: Phụ cấp đội ngũ cộng tác viên dân số nhiều năm qua không tăng, trong khi nhu cầu cuộc sống ngày một cao. Cho nên có cộng tác viên dân số nhiệt tình gắn bó vì thấy công việc ý nghĩa. Có cô, dì đã ngoài 60 tuổi, không biết đi xe máy, không biết sử dụng điện thoại thông minh nhưng cần thông tin gì là họ đi thu thập ngay, không phàn nàn. Nhờ vậy, công tác DS-KHHGĐ ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS mới có kết quả tích cực như ngày hôm nay.
Công việc vận động gia đình “mục tiêu” khiến nhiều cộng tác viên dân số mới vào nghề ngán nhất. Bởi những gia đình này không muốn tiếp xúc, không muốn ai can thiệp việc riêng của mình. Có trường hợp, cộng tác viên dân số bị xua đuổi, nặng lời. Thế nhưng bằng nhiều năm kinh nghiệm và sự khéo léo của mình, bà Nguyễn Thị Hoa, cộng tác viên dân số thôn 7 đã vận động thành công nhiều ca khó. Bà Hoa kể: “Tôi làm cộng tác viên dân số ở thôn đã gần 20 năm nên đường đi, lối lại nhà ai tôi cũng biết. Để vận động thành công trường hợp áp dụng KHHGĐ không đơn giản, nhất là với đồng bào DTTS, gia đình theo đạo. Mình nhiệt tình, đối xử chân thành nên họ quý, tâm sự những vướng mắc. Vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, họ sẽ nhận thức được vấn đề, mình hỗ trợ họ thay đổi hành vi, có kết quả tích cực là cách tuyên truyền hiệu quả, thiết thực nhất”.
Không chỉ bằng kinh nghiệm, hiện nay nhiều cộng tác viên dân số tự nâng cao kiến thức để cập nhật, bổ sung thông tin nhằm dễ dàng tiếp cận, tuyên truyền, nhất là những gia đình trẻ. Chị Dương Thị Huyên, cộng tác viên dân số thôn 5, xã Bom Bo nói: Nhiều cặp vợ chồng trẻ họ “bắt lý” chúng tôi, ngầm nói các cô lạc hậu nên cộng tác viên dân số bây giờ không chỉ giỏi vận động mà còn phải chủ động cập nhật kiến thức liên quan để đáp ứng nhu cầu công việc. Vì vậy, cộng tác viên dân số cảm thấy công việc có nhiều ý nghĩa, có ích cho xã hội, từ đó gắn bó góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa, văn minh và tiến bộ.
Phương Dung/ baobinhphuoc.com.vn