Thứ Sáu, 27/12/2024
Tích cực, chủ động sát cánh, đồng hành với người lao động

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã xây dựng nền móng, sáng lập và rèn luyện tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngay trong cuốn Ðường kách mệnh, cuốn giáo trình huấn luyện cán bộ đầu tiên của Ðảng ta, Người đã nói đến sứ mệnh quan trọng của tổ chức công hội: trước, là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới (1).

Vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, công đoàn chính là khâu nối liền Ðảng với đội ngũ công nhân, với hàng triệu quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Công đoàn có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Ðảng; làm cho công nhân hiểu rằng, không có sự lãnh đạo của Ðảng thì không làm cách mạng thành công được (2). Công đoàn là tổ chức liên lạc mật thiết giữa công nhân và người lao động với Chính phủ; bảo vệ, giữ gìn quyền lợi vật chất, tinh thần, sức khỏe và an toàn lao động cho công nhân; tổ chức, đoàn kết, giáo dục để công nhân hiểu lao động là vinh quang, tôn trọng kỷ luật lao động, nâng cao nhiệt tình, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa... Công đoàn chính là "trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân" (3) và "trường học tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản"(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, ở nước ta, "lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân" (5) nên các tổ chức của công nhân phải được xây dựng một cách khoa học, vững mạnh. Ðể có hệ thống tổ chức công đoàn vững mạnh, nhất định phải có đội ngũ cán bộ công đoàn tốt, bởi "cán bộ tốt, công nhân cũng tốt; cán bộ không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến công nhân"(6). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp luôn cần quan tâm sâu sắc 5 vấn đề lớn:

Thứ nhất, để trở thành người tổ chức các hoạt động của công nhân và người lao động, cán bộ công đoàn không những phải "giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế", "phải thực sự lao động" và gần gũi công nhân, "cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân"(7). Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?... Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Ðảng (8).

Thứ hai, giáo dục, tuyên truyền, hội họp phải nhẹ nhàng, có ích, nếu không chỉ làm cho công nhân mệt mỏi, có hại cho sản xuất. "Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực"(9). Công đoàn sinh hoạt phải thường xuyên, thiết thực, hoạt bát và vui vẻ; thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, cần bớt giấy tờ, hội họp lu bù (10).

Thứ ba, cán bộ công đoàn phải tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hóa có khá thì làm việc mới tốt (11). Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân. Theo Người, "công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là những tiêu chuẩn để biết cán bộ công đoàn tốt hay không" (12).

Thứ tư, các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, lấy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa gần gũi, vững chắc của công nhân, có sức hấp dẫn đối với người lao động.

Thứ năm, công đoàn là một bộ phận của hệ thống chính trị nên tổ chức, hoạt động của công đoàn phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Công đoàn phải giúp công nhân vào Ðảng; giúp bảo vệ, phê bình và phát triển Ðảng. Ðảng mạnh tức là dân mạnh, công nhân mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh thì Ðảng mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh, Ðảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi(13).

Hơn 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho Công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và với Ðảng (14).

Kể từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, Công đoàn Việt Nam đã từng bước kiện toàn, phát triển hệ thống tổ chức bộ máy các cấp, khẳng định và phát huy tốt vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðặc biệt, trong thời gian qua, công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động sát cánh, đồng hành với người lao động, doanh nghiệp, với Ðảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", qua đó, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta giảm thiệt hại, bước đầu kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và chuyển sang khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng tự hào song hiện nay công tác công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập, trong đó có những hạn chế, bất cập đã kéo dài nhiều năm. Số lượng công nhân không ngừng tăng lên nhưng chất lượng không đều và còn hạn chế cả về trình độ chuyên môn, kỹ năng, tác phong lao động, ý thức kỷ luật, giác ngộ chính trị; gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm việc làm, thu nhập, an toàn lao động và điều kiện sống, nhất là những lúc nền kinh tế - xã hội gặp các cú sốc như khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Một bộ phận công nhân lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, thậm chí sa sút về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian qua, một số bị các thế lực xấu, thù địch kích động, lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội(15).

Ở đây có nguyên nhân là các tổ chức công đoàn còn hoạt động chưa thật sự hiệu quả; một bộ phận cán bộ công đoàn thiếu sâu sát, trình độ, năng lực và bản lĩnh còn hạn chế; chưa nắm được tâm tư, nguyện vọng, phát hiện sớm những bức xúc trong công nhân để kịp thời vận động, tuyên truyền, giải thích, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của những người lao động.

Quá trình hội nhập và phát triển của đất nước ta đang đặt ra cho tổ chức công đoàn Việt Nam nhiều nhiệm vụ mới, nặng nề, nhiều thuận lợi, thời cơ song cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề cố hữu như: việc làm, thu nhập, đời sống, an toàn lao động... và cả những vấn đề mới nảy sinh như: quan hệ lao động và tổ chức, hoạt động của công đoàn liên quan đến việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và trước tác động sâu sắc của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hơn bao giờ hết, mỗi tổ chức và mỗi cán bộ công đoàn càng phải tỏ rõ bản lĩnh, vững vàng, kiên định với bản chất giai cấp công nhân và nhân dân lao động; thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tiếp tục đổi mới, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", phải hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp; lựa chọn cán bộ công đoàn là những người phải trưởng thành từ phong trào công nhân, viên chức, người lao động, từ cấp ủy và các tổ chức đoàn thể; hiểu người lao động, trăn trở vì người lao động, đi sâu, đi sát với cơ sở và uy tín với doanh nghiệp.

Lựa chọn những nội dung thật cụ thể, thiết thực, có những tiêu chí rõ ràng để triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động. Trước hết, phải học ngay từ phong cách Hồ Chí Minh. Ðó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, hòa mình với cuộc sống cần lao, vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, hết mực thương yêu đồng chí, đồng bào; phong cách nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; diễn đạt, nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống, sinh hoạt thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương, hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp cách mạng,...(16) Công đoàn, công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đã học và làm theo; đã có những phẩm chất này. Chúng ta cần tiếp tục lan tỏa các phẩm chất này sâu rộng trong cán bộ công đoàn, đội ngũ công nhân và người lao động để phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục thấm sâu từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến lời nói, chữ viết (phong cách diễn đạt) và tổ chức thực hiện (phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt) của cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động.

Quán triệt tinh thần Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, nỗ lực xây dựng Công đoàn Việt Nam thật sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn bám sát thực tiễn cơ sở, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của công nhân lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, hướng trọng tâm về cơ sở, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Khơi dậy khát vọng, phát huy ý chí, tinh thần cống hiến, thu hút đông đảo người lao động đóng góp trí lực, sức lực của mình cho sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam có sứ mệnh rất cao cả trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc ta. Trong không khí kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động, nhân Tháng Công nhân 2021, hướng tới kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của Công đoàn Việt Nam, mỗi tổ chức, cán bộ công đoàn, mỗi công đoàn viên và người lao động càng có thêm niềm phấn khởi, tự hào tiếp tục phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam xứng đáng là một tổ chức cách mạng tin cậy được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.330.

 (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, 2011, đã dẫn, tr 477.

 (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, 2011, đã dẫn, tr 420.

 (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, 2011, đã dẫn, tr 539.

 (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, 2011, đã dẫn, tr 679.

 (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, 2011, đã dẫn, tr 538.

 (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, 2011, đã dẫn, tr 634.

 (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, 2011, đã dẫn, tr 128.

 (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, 2011, đã dẫn, tr 684.

 (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, 2011, đã dẫn, tr 434.

 (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, 2011, đã dẫn, tr 119.

 (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, 2011, đã dẫn, tr 120.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, 2011, đã dẫn, tr 117.

(14) Xem: Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII ngày 25-9-2018.

(15) Xem: Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, đã dẫn.

(16) Thấm nhuần sâu sắc và thực hiện thật tốt những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phát biểu của đồng chí Trần Quốc Vượng tại hội thảo khoa học cấp quốc gia: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, Báo Nhân Dân ngày 9-5-2020.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất