Thứ Sáu, 26/4/2024

Tổ chức đưa Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống

Trước hết, Quy định là bước cụ thể hóa quan điểm nhất quán của Đảng: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ” và góp phần thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong tình hình mới.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định nhiệm vụ của đảng viên (Điều 2) là “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân…”. Cùng với trách nhiệm của cấp ủy đảng thì người đảng viên đứng đầu cấp ủy có vị trí, vai trò quan trọng trong lãnh đạo địa phương, đơn vị giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, đặc biệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương bốn (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã cụ thể hóa thành Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 “ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu quan tâm, thực hiện tốt việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý kịp thời, đúng pháp luật những phản ánh, kiến nghị của dân thì ở đó chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, niềm tin của nhân dân với cấp ủy đảng được củng cố, tăng cường. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ từ năm 2010 - 2018 thì hàng năm cả nước có từ 24.540 (năm 2017) đến 71.854 (năm 2010) đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo số liệu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì tỷ lệ chính quyền không đối thoại, không dự các phiên tòa đều tăng qua các năm. Sau ba năm (2015 - 2017), kể từ khi Luật tố tụng hành chính (2015) có hiệu lực, cả nước có 11.180 quyết định hành chính và hành vi hành chính bị người dân khiếu kiện. Từ năm 2013 - 2017 các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiếp 41.054 lượt công dân, tiếp nhận 72.719 đơn thư của công dân. Trong mấy năm gần đây, các vụ khiếu kiện phức tạp vẫn diễn ra như vụ lấn chiếm đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức – Hà Nội) tháng 4/2017, vụ kích động gây rối tại Phan Rí, Phan Thiết (Bình Thuận) tháng 6/2018. Một số vụ khiếu nại kéo dài liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư như dự án Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), các vụ chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại như chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), chợ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chợ Bỉm Sơn (Thanh Hóa), chợ An Khánh (Đồng Nai), chợ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)...

Bộ Chính trị ban hành Quy định “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” là thực sự cấp bách và kịp thời.

Để triển khai Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị có hiệu quả, các cấp ủy đảng tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Quy định số 11-QĐi/TW kịp thời, phù hợp với thực tiễn của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Quy định, đặc biệt làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thời gian tiếp công dân, kết quả xử lý, phản ảnh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, thời hạn xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo... đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trên cơ sở đó thống nhất hành động trong việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW.

3. Lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân hạn chế của công tác tiếp dân ở các cấp (tỉnh, thành, huyện, quận, xã, phường, thị trấn). Trên cơ sở đó đánh giá rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm trong thời gian tới.

4. Lãnh đạo, chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá tình hình phản ánh, kiến nghị, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tổng hợp, phân loại những phản ánh, kiến nghị, những đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Những nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì thông qua đối thoại trực tiếp với dân để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân đồng thuận. Các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đúng của nhân dân thì người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo các cơ quan chức năng, chủ yếu là Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (cấp tỉnh, thành), Ủy ban nhân dân (cấp huyện, quận và cơ sở) để giải quyết kịp thời. Đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài thì phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết sớm, đúng pháp luật để ổn định tình hình, không để phát sinh “điểm nóng”.

5. Người đứng đầu cấp ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy cấp dưới, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại với dân và xử lý, giải quyết, phản ảnh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Thông qua theo dõi, kiểm tra, giám sát để biểu dương kịp thời người, tổ chức, đơn vị, địa phương làm tốt, đồng thời phê bình cá nhân, tổ chức, địa phương thực hiện chưa tốt.

6. Căn cứ vào Điều lệ Đảng, Quy định số 11-QĐi/TW và pháp luật nhà nước để ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân thiết thực, cụ thể. Quy chế, quy định phải phân công, phân nhiệm rõ cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý thông tin, tổng hợp, tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Có nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

7. Định kỳ và đột xuất người đứng đầu cấp ủy thực hiện trách nhiệm làm việc với bí thư cấp ủy trực tiếp, thủ trưởng, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan, định kỳ báo cáo tình hình, kết quả tiếp dân, đối thoại với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW.

8. Người đứng đầu cấp ủy thực hiện nghiêm thời gian tiếp dân, thời hạn xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, xử lý, giải quyết đơn thư phản ảnh, kiến nghị khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp quản lý cán bộ.

9. Đề nghị Ban Nội chính Trung ương chủ trì phối hợp chặt chẽ với các ban xây dựng Đảng Trung ương để theo dõi, kiểm tra, đồng thời, tham mưu cho Bộ Chính trị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ở các cấp, các ngành kịp thời.

Thực hiện tốt những nhiệm vụ trên đây là thiết thực góp phần phòng ngừa “điểm nóng”, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng cường quốc phòng - an ninh và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN