Thứ Bảy, 27/4/2024

Nêu gương - Một phương thức quyết định đến hiệu quả công tác dân vận hiện nay

Dân gian ta có câu “Nhà dột từ nóc”, để thấy rằng vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đến thế nào trong bất cứ môi trường, cộng đồng, xã hội nào. Trong gia đình, đó là vai trò nêu gương của các bậc cha mẹ, người lớn tuổi; trong nhà trường là vai trò nêu gương của các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục; trong cơ quan, là vai trò nêu gương của người đứng đầu; trong cộng đồng xã hội, là vai trò nêu gương của các già làng, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín… Trên thực tế, nếu người lãnh đạo, người đứng đầu có tâm, có tầm, có tài, có đạo đức, trung thực, lời nói đi đôi với việc làm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực để truyền nhiệt huyết cho các thành viên cùng thực hiện; đồng thời, ý thức được trách nhiệm nêu gương sẽ giúp cho người đứng đầu luôn tự soi, tự sửa mình để ngày càng hoàn thiện bản thân. Ngược lại, nếu người lãnh đạo nói không đi đôi với làm, đạo đức không trong sáng, có thái độ độc đoán, chuyên quyền, lợi ích nhóm, có lối sống xa hoa, không thường xuyên học hỏi, tu dưỡng, tất sẽ dẫn đến hệ lụy là buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để cho cấp dưới làm ăn gian dối, “làm láo báo cáo hay” để trục lợi cho bản thân và nhóm lợi ích của mình mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, việc thực hiện tốt vấn đề nêu gương sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực đối với năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Quy định số 101- QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên... Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những công việc, trọng trách mà nhân dân giao phó từng bước được nâng lên. Nhiều cán bộ, đảng viên trở thành những tấm gương sáng, hình ảnh tin yêu cho quần chúng nhân dân noi theo, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phòng chống tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ theo đường lối, chủ trương của Đảng.

Gần đây nhất, để tăng cường kỷ cương của Đảng và tính tiền phong, gương mẫu, thuyết phục của cán bộ, đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Do đó, là cán bộ, đảng viên ở bất kỳ cương vị nào, ở đâu, tại mỗi thời điểm đều phải nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, nêu gương, coi đó là một chân lý, phục tùng chân lý đó có nghĩa là phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Với tinh thần đó, nêu gương không chỉ là một trong những biện pháp để cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình mà còn là một phương thức hữu hiệu có ý nghĩa quyết định trong công tác dân vận hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, theo chúng tôi, mỗi cán bộ, đảng viên trong tiến hành công tác dân vận cần quan tâm thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác dân vận

Từ khi Đảng ta ra đời, công tác dân vận luôn được xác định là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ngày 15/10/1949, Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, Người chỉ dẫn: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(2). Một chủ trương, nghị quyết rất đúng và hay nhưng phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí, thành hành động thì chủ trương, nghị quyết ấy mới thành công và đi vào cuộc sống. Do vậy, ai cũng phải làm dân vận, ai cũng biết làm dân vận và ai cũng được làm dân vận chứ không chỉ có các đồng chí cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Người làm công tác dân vận phải khéo. Nói khéo là quan trọng và cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải gương mẫu. Tất cả cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị phải gương mẫu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Những người làm công tác dân vận nhất thiết phải có phẩm chất này.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay không ít tập thể, cá nhân làm công tác dân vận một cách hình thức, máy móc, áp đặt, lợi dụng chức, quyền được giao để sách nhiễu nhân dân, đã không vận động nhân dân tham gia mà còn làm khó, cản trở vai trò thực thi giám sát của nhân dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực nhưng lại đi tuyên truyền, vận động nhân dân. Tình trạng phản cảm này dẫn tới sự suy giảm lòng tin của nhân dân vào công tác dân vận. Không ít trường hợp công tác dân vận được thực hiện bởi những người trách nhiệm thấp, thiếu kỹ năng, làm cho có chuyện, phát mà không động, áp đặt máy móc, không giải thích, ít lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Hai là, luôn gương mẫu trong nhận thức và hành động, trước hết là gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để làm tốt nội dung này, từng cán bộ, đảng viên phải hiểu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực sự nêu gương nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Đồng thời, nêu gương cũng chính là mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh thực hiện Điều lệ và các quy định của Đảng; kiên quyết đấu tranh loại bỏ với những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những biểu hiện tha hóa quyền lực chính trị… Đặc biệt, nêu gương là luôn phải làm gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, coi đó là phương châm sống, là phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên, bởi lẽ, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(3). Phải thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” thì mới tiến hành thuyết phục, giáo dục, vận động nhân dân… có hiệu quả. Đây là một yêu cầu rất quan trọng, bởi chỉ trên cơ sở người cán bộ thực sự nêu gương, sát cơ sở, bao quát, nắm bắt tình hình thực tế mới có sự phân tích, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác dân vận trong bối cảnh hiện nay.

Ba là, phải thực sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, chân thành tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực sự là công bộc của dân

Cán bộ, đảng viên phải có đầy đủ, phẩm chất, năng lực công tác để lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng. Một trong những phẩm chất hết sức quan trọng là nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, trong quan hệ với nhân dân, tất cả đều phải mẫu mực, tạo nên những giá trị chuẩn mực. Biểu hiện ra bên ngoài chính là làm gương về những giá trị chân chính, cao quý mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cán bộ, đảng viên khi đã biết lắng nghe dân nói, hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân, đồng thời nắm được những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật từ tai mắt của nhân dân. Trách nhiệm nêu gương trong lắng nghe như là một cách biểu hiện sự tôn trọng đối với nhân dân, đồng thời cũng thể hiện sự cầu tiến của người làm công tác dân vận. Bên cạnh đó, người cán bộ dân vận phải thường xuyên nêu cao tinh thần, trách nhiệm tuyên truyền để làm cho quần chúng hiểu rõ bản chất vấn đề, nhất là vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm công dân, nghĩa là “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng”; qua đó củng cố nhận thức, niềm tin đúng đắn của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ. 

Để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, một trong những nội dung nêu gương hết sức quan trọng là luôn phải nêu gương trong việc làm. Đây là một yêu cầu rất cao mà Bác Hồ đã căn dặn “tay làm”, nghĩa là lời nói phải đi đôi với việc làm. Có như vậy, mới tránh được những biểu hiện “nói một đằng làm một nẻo”, trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, nhưng thực tế thì “chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”(4). Nếu vậy, sẽ rất phản cảm, ảnh hưởng rất lớn đối với công tác dân vận, chắc chắn hiệu quả dân vận sẽ không cao. Do đó, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng nâng cao tinh thần tự giác nêu gương với chính mình, cơ quan đơn vị mình mà cụ thể là nói phải đi đôi với làm.

Nêu gương là một phạm trù, là phương thức lãnh đạo của Đảng, bất kỳ một công việc gì, một ngành nào, một lĩnh vực nào, người cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương, phải coi đó là phương châm sống, là điều kiện để hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, trong công tác dân vận - một nhiệm vụ chiến lược của Đảng, thì người cán bộ dân vận như là một “điển mẫu văn hóa” về tinh thần nêu gương, hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào đời sống nhân dân, luôn là tấm gương mẫu mực tôn trọng dân, gần dân, gắn bó với dân, học dân để phục vụ nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân đã gửi trao cho Đảng.

 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.1, tr.284.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.234, tr.16, tr. 233.

ThS. Đặng Văn Khương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN