Thứ Bảy, 11/5/2024

Tấm lòng của "ông Bụt"

 Một đời làm việc thiện bằng cái tâm, ông Trần Cang ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã mang hạnh phúc cho nhiều người kém may mắn trong cuộc sống. Trái tim nhân ái của ông đã lan tỏa yêu thương, khơi dậy trong cộng đồng tinh thần “nhường cơm sẻ áo”.

Tỏa sáng giữa đời thường

Sinh ra và lớn lên trong gia đình gốc người Hoa, ông Trần Cang sớm thừa hưởng đức tính cần cù, chịu khó, hay giúp đỡ mọi người của gia đình. Ông nhớ giai đoạn sau năm 1975, cả nước rơi vào khó khăn, tỉnh Sóc Trăng cũng không ngoại lệ. Trong lúc đi đây đó, ông chứng kiến nhiều hoàn cảnh thiếu thốn cái ăn, cái mặc, ngay cả nơi che mưa, che nắng cũng không lành, thậm chí đến chết cũng không được an táng đàng hoàng. Để giúp người nghèo, ông dành một phần thu nhập của gia đình, vận động người thân, bạn bè, người có lòng hảo tâm giúp chiếc quan tài cho gia đình đặc biệt khó khăn có người mất, người bị bệnh nhưng không có tiền chữa trị, bị thiên tai, phần gạo lúc đói lòng, những bộ quần áo cũ…

Càng về sau, những việc ông làm được các “mạnh thường quân” biết đến và ủng hộ nhiều hơn. Tính từ năm 1986 đến nay, ông Trần Cang đã vận động hơn 15 tỉ đồng giúp đỡ hơn 4.000 lượt người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, người bệnh hiểm nghèo. Điển hình nhất là ông Trần Cang đã tổ chức đưa hơn 80 trẻ em khuyết tật bị nhiều bệnh bẩm sinh chữa trị tại Trung tâm phục hồi chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh; đưa khoảng 40 người đi trị bệnh ung bướu; giúp 11 người bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não (thời gian ít nhất 2 năm) đến lúc bình phục; giúp hơn 500 cụ cao tuổi được mổ mắt; hỗ trợ hàng tháng 10kg/người, quà, tiền cho 120 người có hoàn cảnh khó khăn; mỗi năm trợ cấp học bổng, tập sách, quần áo cho 150 học sinh nghèo vượt khó; riêng trường hợp khó khăn được ông giúp đỡ khi bất chợt gặp trên đường thì nhiều vô kể… Những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được giúp đỡ với số tiền lớn thì ông trực tiếp xác minh, để tránh lòng tốt bị lợi dụng, làm mất đi ý nghĩa, cũng như sự tin tưởng của những “mạnh thường quân”.

Những năm gần đây, nhờ “tiếng lành đồn xa”, đặc biệt là thông qua kênh truyền hình VTV4 nên số lượng nhà hảo tâm đóng góp càng nhiều, đặc biệt là kiều bào quê ở Sóc Trăng. Từ đó, mỗi năm,  ông vận động được hơn 500 triệu đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện. Ông Trần Cang chia sẻ: “Người đồng hành cùng tôi ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Có người cũng không giàu có, người chưa từng gặp mặt, chỉ qua trao đổi điện thoại mà họ sẵn sàng gởi tiền cho mình để làm từ thiện. Ở họ có chung một tấm lòng thiện nguyện, mong muốn góp công sức để những mảnh đời kém may mắn có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, hy vọng vào điều kỳ diệu phía trước. Người ta tin tưởng thì mình phải làm nhiều việc tốt hơn nữa để xứng đáng với lòng tin đó”.

Trong hành trình làm từ thiện của mình, ông Trần Cang dành nhiều tâm huyết để giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, bệnh hiểm nghèo được khỏe mạnh, được tiếp tục ước mơ, được phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nghe nơi nào có trường hợp trẻ em cần giúp đỡ là ông sẵn sàng giang rộng vòng tay nhân ái. Ông còn giữ lại bộ sưu tập hình ảnh của nhiều em nhỏ không may gặp bệnh quái ác, đau đớn dày vò thân xác các em, ai nhìn thấy cũng rơi nước mắt. Điển hình như trường hợp của em Cẩm Ly (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), hơn 10 năm trước em bị sốt bại liệt nhưng nhà nghèo không tiền chữa trị, may nhờ có ông giúp đỡ kịp thời mà giờ đã khỏe mạnh, lập gia đình. Gần đây nhất là trường hợp của em Lê Thị Mỹ Xuyên (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), khi nghe về hoàn cảnh khó khăn của em, ông cũng hỗ trợ đưa đi điều trị bệnh không có hậu môn bẩm sinh.

Vì lòng thương người, nhiều năm qua, khi nghe thông tin, hoặc tổ chức nào liên hệ “cầu cứu” là ông Trần Cang tìm đến giúp đỡ. Ở gần thì ông đi bằng xe đạp, xa hơn thì đi bằng chiếc xe cub 50 phân khối đã cũ nhưng gắn bó cùng ông qua nhiều thập kỷ. Ông cho biết đang chuẩn bị đi xác minh để hỗ trợ xây nhà cho một người năm nay đã gần 60 tuổi bị tai nạn phải đi bán vé số bằng xe lăn, nuôi mẹ già 92 tuổi, con bị ung thư xương; còn một trường hợp gia đình rất nghèo lại gặp biến cố, chồng bị tai nạn lao động mất, nuôi mẹ bị tai biến, không có đất sản xuất…

Ngoài ra, ông còn giúp bà con vùng sâu, vùng xa, đóng 30 cây nước, làm 03 cây cầu giao thông nông thôn, xây dựng 07 căn nhà tình thương; mỗi năm đóng góp cho bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện và phát từ thiện hơn 03 tấn gạo nhân dịp Tết Nguyên đán, Lễ Vu lan và lễ, tết của đồng bào Khmer… Với tấm lòng thiện nguyện của mình, những nơi ông đến đều để lại dấu ấn nghĩa tình ấm áp. Hình ảnh của ông trở nên thân thuộc với người nghèo, được ví von ông như “ông bụt” bước ra từ câu chuyện cổ tích.

Tuổi cao chí càng cao

Có lần chúng tôi theo chân ông Trần Cang đến thăm và tặng quà người cao tuổi được hỗ trợ hàng tháng, đến nay số lượng đã hơn 120 người. Những cái nắm tay siết chặt, những lời hỏi thăm hỏi ân cần, thật sự làm ấm lòng người bất hạnh. Bà Lưu Thị Lan, một trong những trường hợp như thế, xúc động chia sẻ: “Người lớn tuổi thường hay nhạy cảm, dễ tủi thân khi không được quan tâm chăm sóc. Bản thân tôi không con, lại sống thiếu thốn, nên thấm thía được sự cô đơn của tuổi già. May nhờ ông Trần Cang thường đến động viên, khích lệ tinh thần, hỗ trợ tiền điều trị lúc ốm đau, cho gạo hàng tháng, mà cuộc sống tôi được kéo dài đến hôm nay”. 

Không chỉ là người có tấm lòng “vàng”, ông Trần Cang còn được biết đến là một cán bộ Hội Người cao tuổi nhiệt huyết và tận tâm. Ông cho biết về những kỷ niệm khi gắn bó với người cao tuổi: “Tôi làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, từ 1995 đến năm 2012. Trong khoảng thời gian này, tôi thường thường xuyên tổ chức các hoạt động mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi lúc gặp khó khăn như ốm đau, hoạn nạn… chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Tất cả việc tôi làm ngoài vì trách nhiệm của người cán bộ hội, còn là cái tâm của con người đối với con người”.

Ông Trần Cang có 10 người con, tất cả đều có cuộc sống ổn định. Ở tuổi 97, đáng lẽ là thời gian mà mọi người già thường được nghỉ ngơi để con cháu báo hiếu, nhưng ông vẫn miệt mài, cần mẫn làm từ thiện.  Ông quan niệm: “Khi chúng ta biết sống yêu thương người khác và nhận được tình yêu thương thì tâm hồn chúng ta sẽ được bồi đắp trở nên trong sáng, cao đẹp hơn. Niềm tin vào con người và cuộc sống vì thế mà sẽ được củng cố, vun vén, bay xa hơn, lan tỏa trong cộng đồng. Vì vậy, giờ đây đồng hành cùng tôi còn rất nhiều nhà hảo tâm khác nữa”.

Cứ thế, ngôi nhà nhỏ gần chợ Phú Tâm của ông trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho những hoàn cảnh khó khăn, ai bệnh tật không tiền mua thuốc đến nhà đều được ông giúp đỡ. Trong hành trình làm từ thiện, ông được tặng 17 kỷ niệm chương, hơn 100 bằng khen từ cấp Trung ương đến địa phương. Đây là sự ghi nhận đáng quý nhất, là niềm hạnh phúc chân chính mà không gì có thể đánh đổi trong cuộc đời ông.

Bằng trái tim nhân hậu, tuổi cao nêu gương sáng nên ông Trần Cang luôn được bà con tín nhiệm, yêu quý. “Tôi sẽ làm từ thiện tới chừng nào chết, hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nữa thì thôi, như lời nói của Bác Hồ “Tuổi già nhưng chí không già, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh” - ông Trần Cang cho biết.

Ngọc Diễm

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN