Thứ Bảy, 27/4/2024

Người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân - Nhìn dưới quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày 18/02/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-Qđi/TW “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Khi được phổ biến Quy định này, có một số ý kiến băn khoăn:

Thứ nhất, Đảng ta là đảng cầm quyền. Trong hệ thống chính trị nước ta chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, nhất là của các cấp ủy đảng với các cơ quan, chính quyền nhà nước ngày càng được phân định rõ ràng, cụ thể, nhiều vấn đề được quy định cụ thể bởi pháp luật, trong đó có Luật Tiếp công dân. Việc thực hiện Quy định nói trên liệu có rơi vào tình trạng chồng chéo, trùng lắp, “lấn sân” không?

Thứ hai, Luật Tiếp công dân (2014) trong đó có điều khoản quy định Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại “trụ sở UBND xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần”, Chủ tịch UBND cấp huyện “trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tuần”, “Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng...”. Như vậy, những người đứng đầu có thẩm quyền trong chính quyền ở địa phương có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận phản ánh, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Đồng thời, trong các cuộc tiếp công dân đó đều có đại diện của các ban tham mưu cấp ủy đảng, người đứng đầu các cấp chính quyền ở địa phương, đương nhiên là ủy viên ban thường vụ cấp ủy và là phó bí thư cấp ủy, hoàn toàn có thể thay cùng một lúc vừa đại diện cho chính quyền, vừa đại diện cho cấp ủy đảng để tiếp công dân.

Thứ ba, những vụ việc bức xúc, nổi cộm của người dân (có 70% đến 80% liên quan đến đất đai) ở các địa phương, cơ sở, phần lớn liên quan đến trách nhiệm của cấp chính quyền, cơ quan, cán bộ nhà nước. Vậy khi người đứng đầu cấp ủy tiếp dân liệu có khả năng nắm bắt, hiểu biết hết ngóc ngách, lịch sử, quá trình diễn biến của vấn đề, vụ việc. Muốn giải quyết được thắc mắc, khiếu kiện của người dân một cách dứt điểm, hiệu quả cao thì người đứng đầu cấp ủy nhất thiết lại phải huy động các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức chính quyền, cơ quan nhà nước... liên quan. Như vậy, nhiều khi làm lại từ đầu, vừa mất thời gian, công sức của cơ quan, tổ chức, người dân lại phải mong mỏi, chờ đợi.

Thứ tư, “trăm dâu đổ đầu tằm”, mọi phản ánh, thắc mắc của người dân, nhất là những vụ khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài, cuối cùng phải quay về nơi nó phát sinh và các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước ở đó phải đứng ra giải quyết là chính, người đứng đầu cấp ủy cũng chỉ làm nhiệm vụ lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát theo chức năng của tổ chức đảng...

Tuy nhiên, “nói đi” cũng cần “nói lại” cho hết nhẽ mà ở đây là sự cần thiết, đúng đắn của Quy định, đưa Quy định này vào cuộc sống, giải quyết thấu đáo quyền, lợi ích chính đáng và những phản ánh, kiến nghị, khiếu kiện của người dân đang là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay. Chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho nên nhìn nhận vấn đề người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân dưới quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tế hiện nay thì càng thấy sự cần thiết, quan trọng của Quy định này.

Trong những năm qua, hiện tượng một số người dân ở một số địa phương đến các trụ sở tiếp dân để đưa đơn kiến nghị, phản ánh những vụ việc bức xúc, nổi cộm, thậm chí có những đoàn người từ các địa phương kéo về các cơ quan Trung ương, đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... là một hiện tượng xã hội, một mặt thể hiện dân chủ xã hội, mặt khác phản ánh những khó khăn, bất cập, thậm chí quan liêu, tiêu cực, tham nhũng ở không ít cấp chính quyền, cơ quan nhà nước cũng như của cán bộ, công chức, viên chức. Việc khiếu kiện, phản ánh tại trụ sở tiếp dân tuy chỉ là việc làm của một thiểu số người dân và mức độ đúng sai của các vụ việc khiếu kiện cũng khác nhau, nhưng nó tạo ra nỗi bức xúc xã hội gây phản cảm, thậm chí là phát sinh các “điểm nóng” gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đảng, Nhà nước ta từ lâu đã có nhiều văn bản, pháp luật quy định cụ thể việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, nhiều đồng chí lãnh đạo đích thân tham gia tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết các vụ việc cụ thể, tạo ra chuyển biến tích cực, làm “hạ nhiệt” nhiều “điểm nóng”... nhưng cho đến nay hiện tượng đó vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù Luật đã quy định cụ thể việc chủ tịch UBND các cấp trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở, nhưng vẫn còn không ít đảng viên là người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh “lười” tiếp công dân hoặc né tránh dân, thậm chí có lãnh đạo rất “ngại”, “sợ” tiếp xúc với người dân. Việc cấp trưởng, nhất là người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh uỷ quyền cho cấp phó tiếp công dân khá phổ biến, có tỉnh có đến trên 70%; cá biệt có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân, không tiếp công dân một lần nào trong suốt 12 tháng của năm.

1. Nhớ lại từ ngày đầu xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến việc thể chế hoá và hiện thực hoá các quyền tự do, dân chủ trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Chỉ ít thời gian sau khi giành độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, trong đó quy định một trong những nhiệm vụ của Ban thanh tra là “Tiếp nhận các đơn khiếu nại của nhân dân”. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên xác định quyền khiếu nại của công dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan đó và trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc giải quyết các khiếu nại của nhân dân.

Tại hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Về công tác xét và giải quyết các việc khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ của các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt chừng nào thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ cũng được củng cố tốt hơn”.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng ta không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, ủy thác lợi ích, sứ mạng của mình cho Đảng. Vì vậy, Đảng luôn luôn gắn bó lý tưởng, lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc, đất nước, hạnh phúc của nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, từ đó suy ra, nếu để dân oán thán, oan ức, bất công, kiếu kiện đến chính quyền, cơ quan nhà nước thì “Đảng và Chính phủ có lỗi”.

3. Đảng ta, Bác Hồ luôn luôn nhất quán xác định: cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc, vừa là đày tớ của nhân dân. Ngay từ ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Trước lúc “đi xa”, trong Di chúc của mình, Người nhắc lại: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong nguyên tắc của mình, Đảng ta luôn luôn xác định: Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít đảng viên cán bộ chỉ thiên đứng về tư cách người lãnh đạo mà ít đóng vai trò công bộc, đày tớ của dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển hóa, tự diễn biến, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, bòn mót của dân, gây ra sự thiệt hại, oan ức, bất bình trong dân, làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, khi đến với dân hoặc thực hiện quy định phải tiếp dân thì có những cán bộ lãnh đạo cấp chính quyền, cơ quan nhà nước nặng về tâm lý dạy bảo của bề trên, không chịu lắng nghe, học hỏi quần chúng, nhân dân, lại càng không tôn trọng dân, đứng vào vị thế người dân mà nhìn nhận, giải quyết sự việc. Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo mà sợ dân, lười tiếp dân thì hãy cho họ về làm dân!

4. Những đồng bào bị thiệt hại về vật chất, tinh thần, gặp phải oan ức... rất muốn gặp trực tiếp và gửi gắm niềm tin, hy vọng của mình vào những những cơ quan, tổ chức, những người có trách nhiệm với dân, công tâm, khách quan, tận tụy trong việc phục vụ nhân dân, lắng nghe họ nói... Trong điều kiện hiện nay, khi mà ở nhiều nơi các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, chủ tịch UBND các cấp... chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân khi đi phản ánh, khiếu kiện các vụ việc bức xúc, nổi cộm thì Quy định của Bộ Chính trị như là chiếc “phao cứu sinh”, người đứng đầu cấp ủy như là “bao công” thời nay vậy.  

Xuất phát từ những lý lẽ, cơ sở quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh trên đây, theo chúng tôi trong thời gian tới, khi người đứng đầu cấp ủy trực tiếp tiếp dân, cần quan tâm một số vấn đề mấu chốt nổi cộm sau đây:

Người đứng đầu cấp ủy cố gắng xác định rõ cả hai tư cách, người lãnh đạo và nhất là đóng trọn “vai” người công bộc, đày tớ thật trung thành của nhân dân. Nói chung dân ta hiểu rất rõ về cán bộ của mình, ai là cán bộ tốt, ai là người “có vấn đề”, người đứng đầu cấp ủy có uy tín cao trong nhân dân bao nhiêu thì hiệu quả của việc tiếp công dân cũng lớn bấy nhiêu, đừng để những người uy tín thấp, không có tín nhiệm tiếp công dân sẽ gây phản cảm, bức xúc trong dân.

Tiếp công dân trong giai đoạn hiện nay khi đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng sắp diễn ra rất dễ dẫn đến hiện tượng “bệnh thành tích”, sợ địa phương mình, cá nhân mình “mất điểm”, mất “phiếu bầu” nên dễ xảy ra hiện tượng bao che, dung túng cho cấp dưới, tiếp dân để cho “êm”, do vậy, người đứng đầu cấp ủy cần thực sự cầu thị, tự phê bình, lắng nghe người dân để biết rõ hơn về cán bộ, đảng viên của mình.

Hiện nay, có đến 80% các vụ khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài liên quan đến đất đai, cho nên ngoài sự cố gắng của các địa phương, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của Trung ương để nhanh chóng giải quyết dứt điểm, ổn định xã hội ở địa phương, cơ sở, góp phần tăng cường niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Việc người đứng đầu cấp ủy trực tiếp tiếp công dân chính là một dịp để các cấp ủy đảng làm công tác dân vận, góp phần làm cho Đảng gần dân hơn, dân tin Đảng hơn.

Vũ Lân

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN