Thứ Hai, 6/5/2024

Cũng là “Dân vận khéo”

Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân trong ngành dân vận phải biết làm “Dân vận khéo”. Vì vậy, thiết nghĩ “Dân vận khéo” của Ban Dân vận cấp ủy phải luôn gắn kết chặt chẽ với thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10-Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành theo Quyết định 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị là: Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận đối với tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Nghiên cứu từ khái niệm đến nội dung, tính chất và cách thức tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên phạm vi toàn quốc do Ban Dân vận Trung ương phát động từ năm 2009, Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh đã mạnh dạn tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Trà Vinh 02 năm (2009-2010), sau đó nâng lên 05 năm (2011-2015) với những nội dung, tính chất phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Để cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ  trong quá trình tham gia phong trào, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xác định, nghiên cứu, thực hiện thành công mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận. Năm năm qua có những phương thức “khéo” trong công tác tham mưu mà Ban Dân vận Tỉnh ủy đã vận dụng và đạt được kết quả cao, hiệu quả thiết thực:

Thứ nhất, lựa chọn nội dung tham mưu thông qua phát huy năng lực, trình độ, kiến thức chuyên môn của cán bộ, công chức để trao đổi, bàn bạc, phản biện các vấn đề dự thảo; phát huy dân chủ trong tập thể lãnh đạo Ban đóng góp nội dung, đề xuất giải pháp; nghiên cứu kỹ nội dung, giả định tình huống tích cực và tiêu cực, thuận lợi và khó khăn nếu vấn đề dự kiến tham mưu sẽ đưa vào thực hiện; trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Năm 2009, trước khi tham mưu Tỉnh ủy ban hành Công văn số 355-CV/TU, ngày 27/7/2009 “Về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2009-2010”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức chuyến đi học tập thực tế ở các tỉnh, thành trong khu vực, sau đó xây dựng kế hoạch tổ chức, phát động. Căn cứ kết quả thực tế sau hai năm đó, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục xây dựng, triển khai Kế hoạch số 02, ngày 10/10/2011 “Về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011-2015” và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo với ba nhóm mô hình “Dân vận khéo” và bốn nội dung thi đua sát thực tế, tạo ra hiệu quả thiết thực.

Thứ hai, trong quá trình nghiên cứu, hướng dẫn, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác dân vận. Trước khi biên soạn văn bản tham mưu, đã tranh thủ sự hỗ trợ và tư vấn của Ban Dân vận Trung ương về chuyên môn nghiệp vụ, từ đó đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa sự chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Vì thế năm 2013 đã hoàn thành tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU, ngày 20/8/2013 thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Năm 2014 hoàn thành tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 14/3/2014 “Về việc triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI)”, ban hành Quy định số 4029-QĐ/TU, ngày 15/4/2014 “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh” (văn bản cụ thể hóa Quy định số 219-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy”).

Thứ ba, quan tâm và tổ chức tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể. Hàng năm xây dựng kế hoạch và tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, phối hợp với các ngành, địa phương tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác dân vận cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến tận ấp, khóm đảm bảo thời gian ngắn nhất, quy mô lớn nhất và hiệu quả cao nhất. Kết quả từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức 273 lớp, với 45.202 lượt người dự. Qua đó từng bước tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức về công tác dân vận của từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, làm rõ nội dung công tác dân vận của cơ quan nhà nước gắn với hoạt động chuyên môn của từng ngành nghề, sự cần thiết phải xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để xử lý thông minh, sáng tạo, khéo léo các tình huống dân vận, khắc phục các sự cố phát sinh trong cuộc sống, tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động, giảm nhẹ thủ tục hành chính không cần thiết trong tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân.

Thứ tư, chủ động ký kết và triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận với các cơ quan, đơn vị nhằm cụ thể hóa sự chỉ đạo của Tỉnh ủy theo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh, đảm bảo định kỳ có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Nổi bật nhất, ngày 28/11/2014, đã đăng cai tổ chức hội nghị giao ban giữa Cục Chính trị Quân khu 9 với Ban Dân vận 12 tỉnh, thành ủy. Đạt được thành công đó là do ngay từ đầu năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu và được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất tại Thông báo số 1216-TB/VPTU, ngày 20/01/2014, sau đó phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị.

Thứ năm, nghiêm túc triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó nổi bật nhất là phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thực tế giai đoạn 2015-2020” theo Thông báo số 290-TB/TU, ngày 17/9/2013 “Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy”. Dự án được xây dựng với mục đích nâng chất lượng hoạt động của các đoàn thể, xây dựng chương trình phần mềm tin học quản lý đoàn viên, hội viên và khắc phục sự trùng lắp danh sách đoàn viên, hội viên các đoàn thể; đổi mới công tác triển khai quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, Dự án đã được Hội đồng Khoa học tỉnh thống nhất và sẽ triển khai thực hiện trong năm 2015.

Trong điều kiện đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan không nhiều, lãnh đạo Ban Dân vận thường xuyên thay đổi theo yêu cầu điều động, luân chuyển của cấp ủy, một kinh nghiệm thực tiễn đúc kết đối với Ban Dân vận cấp ủy trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với cấp ủy là: phải vận dụng sáng tạo các phương thức “Dân vận khéo” vào quá trình nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn, đề xuất, phối hợp các ngành, địa phương tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm của hệ thống ngành dọc và cấp ủy.

Hồ Hoàng Phương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN