Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Trong những năm qua, công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Bên cạnh việc thể chế hóa Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc, Nhà nước tiếp tục dành những nguồn lực đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án đã triển khai như: Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020; Chương trình 135 giai đoạn III; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn...
Để đẩy mạnh hơn công tác giảm nghèo ở các khu vực trọng điểm, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tích cực chỉ đạo và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ; kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phòng chống và khắc phục thiên tai, dịch bệnh; thực hiện an sinh xã hội. Tổ chức biểu dương, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đấu tranh phòng chống các hoạt động gây mất an ninh trật tự; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và tổ chức cơ sở đảng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới công tác dân tộc thông qua chương trình hành động, kế hoạch cụ thể đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức đối với công tác dân tộc như: Trình độ sản xuất ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn lạc hậu; ở nhiều vùng, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt gay gắt. Việc di dịch cư, tranh chấp đất đai, xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra; thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và bất thường làm cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững, việc bình xét, công nhận, điều tra, khảo sát hộ nghèo có biểu hiện thiếu khách quan; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã 135, huyện nghèo còn nhiều thiếu thốn, kém chất lượng. Văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước khó khăn, thử thách giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo tồn và phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp, số người trong độ tuổi lao động ở vùng đặc biệt khó khăn không biết chữ và tiếng phổ thông khá phổ biến.
Vào những năm gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang xuất hiện một số vấn đề như: tình hình khiếu kiện tranh chấp đất đai đông người có xu hướng tăng lên. Tình trạng lao động người dân tộc thiểu số qua biên giới làm thuê theo mùa vụ ngày nhiều, không chỉ ở vùng giáp biên mà còn ở cả vùng sâu trong nội địa; nạn lừa gạt, mua bán phụ nữ qua biên giới với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tình trạng mua bán các chất ma tuý và dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vận chuyển các chất ma tuý, sử dụng các chất ma túy diễn biến phức tạp. Đạo lạ, tà đạo xuất hiện, cùng với hoạt động truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo, tranh giành tín đồ đang làm mất ổn định về an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, thiết nghĩ cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn công tác dân tộc của Đảng, thực hiện tốt quan điểm của Đảng về bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc, tham mưu cho cấp uỷ sơ kết, tổng kết, khắc phục kịp thời những vấn đề bất cập, giải quyết tốt những vấn đề mới nảy sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách vùng miền, dân tộc.
Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; các tầng lớp Nhân dân về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc để củng cố nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân (trong đó đặc biệt chú trọng Nhân dân ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống).
Tăng cường dân chủ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng thực hiện nghiêm Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng dân chủ đại diện thông qua các đại biểu dân cử, các tổ chức quần chúng; tăng cường dân chủ trực tiếp, với nhận thức công tác dân tộc xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số; tránh tình trạng tư duy máy móc, áp đặt, chủ quan.
Tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể các chính sách, lồng ghép chính sách trên cùng một lĩnh vực, cùng đối tượng. Trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc, cần phải vận dụng và thực hiện tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu chính sách đầu tư trọng tâm vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo đặc điểm vùng, chính sách hỗ trợ phải đạt mục tiêu khuyến khích và phát huy được nội lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) về công tác dân vận.
Tăng cường củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí, sắp xếp cán bộ theo hướng hài hòa giữa các dân tộc. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ tại địa phương để phát triển nhanh đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực đảm đương được nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải là người đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình, thực sự là chỗ dựa về lòng tin, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần chú trọng công tác tuyên truyền trực tiếp (đối thoại trực tiếp) đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc, văn hóa đối với cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Kết hợp nhiều phương pháp, cách thức trong công tác tuyên truyền, cổ động để Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều nắm và thực hiện đúng đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền; kịp thời bổ sung, nhân rộng những cách làm hay để các địa phương trao đổi, học tập.
Tăng cường chế độ trách nhiệm của cá nhân, nhất là của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới phương pháp công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo phương châm “5 có”: (1) Có điều tra nghiên cứu kỹ và nắm chắc tình hình các vùng dân tộc thiểu số về mọi mặt để định ra những chủ trương, kế hoạch thích hợp và báo cáo với cấp trên; (2) Có tình, có lý, đúng luật pháp, tự phê bình và phê bình nghiêm túc với tính đối thoại cao trong quan hệ giữa cán bộ và Nhân dân các dân tộc thiểu số; (3) Có sự lãnh đạo thống nhất, đồng bộ, kỷ luật, kiên quyết, triệt để trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; (4) Có sự tuyên truyền rộng rãi trong Đảng và Nhân dân, có sự đồng tình và ủng hộ của Nhân dân các dân tộc; (5) Có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba biện pháp giáo dục, hành chính và kinh tế đời sống.
Ba là, các ngành, các địa phương tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, đất đai, nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề và tạo việc làm ổn định, phòng chống các tệ nạn xã hội. Trong xây dựng thể chế, chính sách, cần quán triệt và thực hiện nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chú ý cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.
Bốn là, quan tâm điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các vùng miền, các lĩnh vực; gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội. Xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, cần có những đề án cụ thể về cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay; đổi mới công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giáo dục phải tạo động lực và khuyến khích Nhân dân tham gia, trong đó có việc chống và xóa mù chữ, công tác đào tạo nghề phải phù hợp với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và có việc làm ổn định sau đào tạo.
Sáu là, nghiên cứu và tiến hành tốt công tác đối ngoại Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú ý đến thực tiễn đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta (đặc biệt là khu vực biên giới) có mối quan hệ đồng tộc, thân tộc, giao thương với Nhân dân của các nước láng giềng.