Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Huệ - Quang Trung (1752- 1792) là một nhân vật đặc biệt, hội tụ đầy đủ phẩm giá của một danh nhân văn hóa dân tộc.
Về quân sự, ông là vị tướng suốt đời chinh chiến không thua trận nào. Ông cũng là người ấn định được ngày, giờ chiến thắng và làm đúng những lời mình nói. Về ngoại giao, ông có chính sách khôn khéo là vua nước Việt được “Thiên triều” phương Bắc vị nể, kính sợ. Về đối nội, cai trị, canh tân phát triển đất nước, ông biết dùng người tài, phát hiện đúng nhân tài và sử dụng có độ lượng công tâm. Về kinh tế, ông chú trọng canh nông, khuyến khích thương mại, có sáng kiến quản lý hộ khẩu và chủ trương xây dựng kinh đô mới. Đặc biệt, trong cách ứng xử đối với trí thức phong kiến, với nhân dân, ông có sự khôn khéo, thể hiện tầm văn hóa trác tuyệt, đánh tan mọi hoài nghi về người anh hùng xuất thân từ nông dân áo vải khi lên ngôi Hoàng đế sẽ mang theo cách cai quản bảo thủ, lạc hậu, cách ứng xử thô thiển hẹp hòi…
Có giai thoại về một bài thơ kiện được viết bằng chữ Nôm của dân làng Văn Chương (thành Thăng Long) gửi vua Quang Trung về việc trùng tu, xây dựng văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám và cách giải quyết của ông còn được lưu truyền phần nào minh chứng cho phẩm cách đó như sau:
Vào những năm 80 của thế kỷ XVIII, do sự thối nát của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, khởi nghĩa Tây Sơn đã bùng nổ, đánh chúa Nguyễn ở đàng trong, sau đó tiến quân ra Bắc dẹp tan họ Trịnh, thống nhất giang sơn. Chiến tranh xảy ra sự đổ nát là không thể tránh khỏi, vườn bia Quốc Tử Giám cũng bị tàn phá hoang tàn. Sau khi lên ngôi Hoàng đế được hai năm, vua Quang Trung vẫn chưa cho sửa sang lại nhà bia, dân làng Văn Chương tỏ ý bất bình về sự chậm trễ này và tìm cách khởi kiện.
Được sự toan tính, giúp sức của một vị Tam Nông là nho sĩ có tên là Hà Năng Ngôn viết hộ dân làng một bản sớ (thực chất là một bản đơn kiện) bằng chữ thơ Nôm, thể loại vua Quang Trung rất thích. Bài thơ “kiện” có cấu trúc rất rõ ràng, mở đầu là sự tường trình:
Chúng tôi một lũ dân cấy hái
Trái mùa, sinh vào trại Văn Chương
Trong khi cày ruộng, cuốc nương
Vòng ngoài trông vọng cung tường Miếu Văn
Có một tá băn khoăn trong dạ
Mượn thầy nho phô tá ra tờ.
Sau đó, mô tả rất chi tiết vườn bia khi chưa bị phá (có ý giới thiệu cho Quang Trung biết giá trị văn hóa của văn bia) được xây từ năm nào, có bao nhiêu bia, quy mô, kích thước mỗi bia, quy hoạch khu Văn miếu… Tóm lại, đó là một di tích văn hóa tiêu biểu của nước Nam mà vua chưa được chứng kiến:
Một nền văn hiến lâu dài
Tiếc thay chưa được đón ngài ngự thăm.
Tiếp sau, phần chính của lá đơn kiện là việc liệt kê, trình bày sự tàn phế của Miếu văn hiện tại:
Bia tiến sĩ vô can, vô tội
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành
Bia thì đạp đổ tung hoành
Nhà bia thì đốt tan tành ra tro.
Ở đây sự khôn khéo của “dân gian” trong việc kể tội, tố kẻ gây ra đổ nát này là không quy hẳn toàn bộ tội lỗi cho quân Tây Sơn mà trong đó có tội của chúa Trịnh trước đó cũng đã bỏ bê việc sửa chữa trùng tu. Ý tứ quan trọng nhất của tờ sớ là mục đích của việc “khiếu kiện” được trình bày bằng những lời thỉnh cầu thống thiết:
Chỉ xin được ngài trông vì nước
Dựng lại bia cùng nhà bia cho được y nguyên
Trước là giáo dục kẻ hiền
Sau là văn mạch rồi truyền dài lâu.
Tương truyền, khi đọc bài sớ “hai mặt” này, đại thi hào Nguyễn Du cũng phải thốt lên:
Chắp tay tôi lạy bác Tam Nông
Cuốc trăm nhát giật vào lòng cả trăm
Nhận được tờ sớ, vua Quang Trung biết ngay sự thâm thúy của vị nho sĩ Bắc Hà trong từng ý tứ câu thơ, song biết đó là nguyện vọng chính đáng của người dân nên vua Quang Trung đã bút phê ngay (bằng thơ Nôm). Một mặt thẳng thắn nhận lỗi, đồng thời cũng chấp nhận, trấn an lời thỉnh cầu :
Thôi, thôi, thôi, việc đã rồi
Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta
Nay mai dọn lại nước nhà
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Nhưng nhà vua cũng không quên “cảnh báo” việc dùng mẹo viết sớ nhưng thực chất để kiện vua của vị nho sĩ, ngầm ý thông báo rằng:
Ta không trách nông phu
Ta chỉ gớm thầy nho
Cả gan, to mật dám kêu vua bằng ngài
Thầy nho là ai
Sắc cho bộ hỏi, dân khai!
Viết là vậy, nhưng ngay sau đó, vua Quang Trung không những cho dựng lại vườn bia tiến sĩ trong Văn miếu Quốc Tử Giám mà còn có nhiều chính sách, biện pháp phát triển, chấn hưng văn hóa dân tộc. Biết thầy nho Tam Nông là người có tài, có đức, nhà vua đã không trị tội mà còn tin dùng đưa vào bộ máy quan lại.
Qua câu chuyện lưu truyền cũng đủ thấy: người kiện (dân làng Văn Chương) và người xử kiện (vua Quang Trung) đều rất uyên thâm, văn hóa. Mục đích khiếu kiện và giải quyết khiếu kiện đều thỏa mãn. Và vì thế dân càng thêm tin, ủng hộ vị Hoàng đế áo vải Quang Trung trong thời gian Người trị vì ở Thăng Long.