Thứ Bảy, 21/12/2024

Kiến tạo phương thức mới để tập hợp lực lượng trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay

Dân chủ hóa, tự cường và đồng thuận dân tộc - hơn bao giờ hết, ba chân kiềng này cần được kết nối vững chãi và lâu bền trong công tác tập hợp lực lượng của Đảng khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Bế mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 là phải phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tất cả các nhiệm vụ then chốt này chỉ có thể tiến hành trong môi trường độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia phải được giữ vững, hòa bình và ổn định phải được bảo đảm, công cuộc hội nhập vào khu vực và thế giới tiếp tục được thúc đẩy một cách toàn diện và mạnh mẽ, theo đúng các Nghị quyết của Đại hội XI và tinh thần chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng.

Trên dòng chảy của hội nhập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng trăn trở: Tại sao ta cứ phải đứng sau 6 nước ASEAN? Chúng ta có đuổi kịp được ASEAN-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện tình hình để bằng ASEAN-6? Và chính Thủ tướng đã đề xuất, để theo kịp nước người, chúng ta “cần đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

Rõ ràng, các nhiệm vụ mà Tổng Bí thư đề cập là hết sức to lớn, nỗi bức xúc mà Thủ tướng cũng như toàn Đảng, toàn dân trăn trở là hoàn toàn chính đáng. Có điều là, muốn hội nhập thành công, trong nước sức ta phải mạnh. Ngay từ năm 1941, Đảng ta đã nhận thức đúng đắn: “Ta mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”, ta không mạnh thì chỉ là khí cụ trong tay kẻ khác, dù kẻ ấy là đồng minh của ta vậy”(1).

Tập hợp mọi nguồn lực, hội đủ sức mạnh bên trong, bên ngoài cho công cuộc hội nhập toàn diện ngày nay, hơn bao giờ hết, Đảng phải tìm ra những phương thức mới: phát huy dân chủ, nêu cao ý thức tự cường và khẳng định đồng thuận dân tộc để quy tụ mọi nguồn sức mạnh, thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong hoàn cảnh môi trường quốc tế đã thay đổi.

Dân chủ để tập hợp lực lượng

Tập hợp lực lượng thực chất là công tác dân vận. Trong bài “Dân vận” đăng trên tờ “Sự thật” ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho... Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(2). Quan điểm “dân vận khéo” của Hồ Chí Minh luôn luôn mang tính thời sự. Theo Người, “dân vận khéo” là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. Bởi một lẽ đơn giản: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(3).

Ngày nay, dân chủ đã trở thành xu thế phổ quát của quốc tế và quốc nội. Trong kỷ nguyên “dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại” (Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đất nước nào không phát huy được dân chủ thì rõ ràng đã, đang gặp khủng hoảng mọi mặt. Ngược lại, xã hội nào phát huy được dân chủ thực sự thì xã hội ấy vượt qua được các khó khăn trong nội trị cũng như ngoại giao. Trong các thập niên hiện nay, khủng hoảng xã hội gần như cũng đang là một xu thế. Từ Mỹ đến Trung Quốc, từ châu Âu đến nước Nga và cả Đông Nam Á… hầu như đất nước nào cũng đều đối mặt với những khó khăn, thậm chí có nhiều nước gặp khủng hoảng lòng tin và khủng hoảng nội bộ. Việt Nam, vì vậy, không phải là trường hợp ngoại lệ. Sự khác nhau ở đây chỉ là vấn đề chọn lối ra. Nếu tiếp tục dùng các biện pháp “phi dân chủ” để ứng phó thì lòng dân ly tán, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn.

Vấn đề “then chốt” khi thúc đẩy dân chủ trong tập hợp lực lượng là chủ động hay bị động? Chủ động sẽ có chính sách đúng, phương pháp hữu hiệu. Bị động thì sẽ phải đối phó, chính sách sẽ chắp vá, phương pháp khó đồng bộ. Cần nhận thức rõ, vấn đề thúc đẩy dân chủ không phải là một khẩu hiệu suông. Dân chủ cần được thực thi như một giá trị trong một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong một xã hội mà MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có thể làm nền tảng cố kết cho ý thức cộng đồng, trong một nhà nước luôn hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, tái phân phối lợi ích quốc gia để tạo công bằng cho mọi thành viên.

Tự cường, đoàn kết và tự chủ

Là một quốc gia có 54 dân tộc, rõ ràng Việt Nam là một đất nước đa dân văn hóa, đa dân tộc. Một cộng đồng đã từng trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, từ chủ nghĩa thực dân đến các cuộc chiến tranh nóng - lạnh khác nhau và hiện đang kinh qua sự chuyển đổi kinh tế - xã hội sau gần 30 năm đổi mới, vấn để bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi không hề là một tiến trình đơn giản. Đối với một đất nước có khung kết cấu dân tộc đa dạng như vậy, các phẩm chất và những căn tính ưu việt của cộng đồng, của dân tộc không phải là “nồi cơm Thạch Sanh”, nghĩa là cứ ăn hết thì đầy. Những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam vốn bị các chấn động chính trị - xã hội bào mòn, có phần làm cho mai một đi. Giờ đây là lúc chúng ta phải gấp rút làm trỗi dậy một ý thức tự cường để “phục hưng” dân tộc (kể cả những quốc gia lớn hơn chúng ta nhiều lần cũng đang kêu gọi phải “phục hưng” dân tộc và quốc gia họ).

Xây dựng ý thức tự cường, kiến tạo sự thống nhất trong đa dạng là một phương thức cần quán triệt trên bình diện đoàn kết quốc gia. Phẩm chất cốt lõi tạo ra “ý thức tự cường” là gì nếu như đó không phải là lòng tự hào dân tộc? Một trong những mẫu số chung để tập hợp các thành viên trong cộng đồng, là niềm tự hào chung cùng thuộc về một dân tộc, một quốc gia có nền văn hiến lâu đời; tự hào về ý thức, về cách sống, cách dựng nước và giữ nước của tiền nhân, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các thế hệ ngày nay trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Ở đây, rất cần một sự đổi mới về tư duy để thấy hết tầm nhìn và đóng góp trên thực tế của các triều đại trước đây trong các nỗ lực mở rộng và thống nhất bờ cõi từ Bắc chí Nam, tạo nên một quốc gia có vị thế như Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.

Tự cường chính là tâm thức tự chủ, không có ai giúp mình bằng chính mình, tận dụng tối đa sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng quan trọng nhất vẫn là phát huy năng lực ở bên trong. Tình hình Biển Đông rất nóng trong năm qua và có thể sẽ như một “chảo dầu” trong những năm tới, nhưng nhờ ở “tâm thức tự chủ”, chúng ta kiến tạo nên các giải pháp bảo vệ được chủ quyền mà vẫn giữ được môi trường hòa bình và đảm bảo phát triển kinh tế. Đây là vấn đề khó, nhưng phải quyết phấn đấu bằng mọi cách để làm được, mà trước hết và căn bản là phải tăng cường nội sinh trên tất cả mọi lĩnh vực. Tinh thần tự cường của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đã và sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài. Sản xuất hàng hóa là một hướng phấn đấu, nhưng điều quan trọng là phải tạo ra những tiền đề để các nhà đầu tư thấy được lợi ích khi tham gia vào thị trường Việt Nam. Và quan trọng hơn là các giải pháp về cơ chế, chính sách để tận dụng nguồn tài chính và công nghệ của các nước tiên tiến làm nền tảng tạo ra động lực cho sự phát triển(4).

Tạo sự đồng thuận xã hội để phát triển đất nước

Năm 2015, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao chắc chắn sẽ tiếp tục có những hoạt động tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mời gọi kiều bào về nước để dự Lễ dâng hương Đền Hùng, đi thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, viếng các nghĩa trang… Khi nhận định về vấn đề này, nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước nhất trí coi đó là dấu hiệu từ phía Đảng, Nhà nước muốn tạo tiền đề cho sự đồng thuận giữa trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước. Về ý nghĩa chung, đồng thuận là mục tiêu cốt lõi trong việc giải quyết những bức xúc, bất đồng, tạo ra sự hòa hợp và xây dựng đất nước trong hòa bình. Từ góc nhìn ấy, đi vào ý nghĩa cụ thể của hòa hợp dân tộc là tạo sự đồng thuận trong dân, giải quyết một cách hoà bình các mâu thuẫn phát sinh tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam cho đến hôm nay, để đi đến hòa hợp, để đất nước và dân tộc phát triển bền vững và trường tồn.

Năm 2015 Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta sẽ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, chúng ta lại nhớ tới Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã hơn một lần tuyên bố: Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, đất nước Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng những người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả... Chừng ấy thời gian trôi qua, không có lý do gì giữa những người Việt với nhau lại không hòa giải và hòa hợp được(5). Ông Võ Văn Kiệt chia sẻ tiếp, quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra vị thế mạnh. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng... Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng, nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn(6).

Hòa hợp dân tộc, đồng thuận xã hội để phát triển đất nước là tiến trình tất yếu khi một dân tộc như Việt Nam từng gánh chịu quá nhiều những phân ly và phân tâm. Nhưng sự hòa hợp và đồng thuận ấy không thể có được từ một phía, và không thể có được nếu từ phía bên này hay phía bên kia không thật lòng. Bàn tay đã đưa ra, tốt nhất lúc này vì nghĩa lớn cao cả, chúng ta hãy cùng gạt qua những ẩn ức, những nghi ngờ, những cực đoan và cả những đòi hỏi chính đáng về sự thành tâm trung thực, mà từ khát vọng tinh thần yêu nước của mình hãy đón nhận bàn tay từ phía bên kia như một cơ hội chung cho dân tộc. Hãy cùng mở lòng đón lấy cơ hội, sử dụng cơ hội vì đại nghĩa của dân tộc, vì nói cho cùng cộng đồng người Việt  Nam chúng ta dù ở đâu, dù chính kiến nào đều là những người thực lòng yêu nước nồng nàn, khát khao cho đất nước một tương lai bình yên, hạnh phúc và vinh quang. Giấc mơ cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh chắc chắn sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa.

*

Xuân Ất Mùi 2015 này dường như đã hội tụ các điều kiện cần và đủ cho việc kiến tạo và thúc đẩy phương thức mới để tập hợp lực lượng. Khát vọng dân chủ, ý thức tự cường và quyết tâm đồng thuận từ lịch sử dân tộc, trong kháng chiến cứu nước cũng như trong bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay đã tích hợp các giá trị “dân chủ - tự cường - đồng thuận” thành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo và liên tục. Việc đề xuất kiến tạo thế “kiềng ba chân” (ba trong một) như là mô hình chính là để bảo đảm quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển (phương pháp luận mác-xít). Hẳn nhiên, có thể còn tìm ra những sáng kiến mới, kiến nghị mới (nếu gọi đột phá cũng đúng), vì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu tại Hội đồng Lý luận Trung ương: không có đột phá lý luận sẽ không có sáng tạo trong hoạch định chính sách. Vấn đề “tập hợp lực lượng” tuy không mới, nhưng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt công cuộc vận động này đứng trước bước ngoặt lịch sử. Sáng kiến đề xuất trên đây vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có giá trị thực tiễn, và đây chính là sự đóng góp tích cực, mang tính xây dựng vào quá trình chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng sang năm tới.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, t.7, tr.244.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t.5, tr. 698-700.

3. Sđd, t.9, tr. 592.

4. Cù Xuân Trường: “Tự chủ kinh tế và tự cường dân tộc”, Báo Hà Nội Mới, số ra ngày 16/6/2014.

5. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Đại đoàn kết dân tộc - Cội nguồn sức mạnh của chúng ta, Bộ Ngoại giao Việt Nam, 31/8/2005.

6. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải, BBC tiếng Việt, 30/4/2007.

Đinh Mai Hương

TẠP CHÍ IN