Thứ Ba, 7/5/2024

“Về nguồn” - Sáng tạo trong công tác dân vận ở Long An

Công tác triển khai thực hiện

Mục đích, yêu cầu của hoạt động “Về nguồn” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh qua các thời kỳ; đồng thời thực hiện tốt các chính sách đối với người có công và làm công tác xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong tỉnh; đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn; các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của hoạt động “Về nguồn”. Chỉ đạo bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo hoạt động “Về nguồn” của địa phương, đơn vị; cơ quan nhà nước các cấp đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các nội dung, kế hoạch “Về nguồn”; phát động phong trào thi đua yêu nước; thực hiện dân chủ, minh bạch trong chọn đơn vị điểm, bình xét các đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình hoạt động “Về nguồn”…

Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy tham mưu cấp ủy cùng cấp tổ chức thực hiện với tinh thần mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn một xã điểm tổ chức các hoạt động “Về nguồn” năm 2014. Riêng huyện Bến Lức, Cần Giuộc chọn 2 xã điểm để tổ chức các hoạt động. Ngoài xã điểm của tỉnh, huyện Mộc Hóa và Đức Hòa chọn một xã điểm tổ chức các hoạt động “Về nguồn” cấp huyện. Trong quá trình triển khai, Ban Tổ chức “Về nguồn” tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tiến độ thực hiện công tác vận động tài chính, tiến độ xây dựng các công trình, việc bình xét hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách và lĩnh vực an sinh xã hội ở 2 xã điểm của tỉnh...

Những kết quả nổi bật

1.041,3 tỉ đồng là tổng kinh phí được đầu tư thực hiện trong hoạt động “Về nguồn” của tỉnh năm 2014. Tại 2 xã điểm của tỉnh là xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa và xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, huy động gần 156 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã xây dựng mới 9 căn nhà, sửa chữa 5 căn nhà tình nghĩa, trị giá hơn 460 triệu đồng tặng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với Tổ quốc. Ban Tổ chức tặng khánh vàng, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; thăm hỏi, tặng quà cho gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước... với số tiền gần 285 triệu đồng. Ngoài ra, xây dựng 47 căn nhà Đại đoàn kết, 17 nhà Mái ấm tình thương, 4 nhà Mái ấm Công đoàn… giúp cho 02 xã cơ bản xóa nhà dột nát, với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Tất cả các hộ nghèo, các cụ từ 80 tuổi trở lên, các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, những người bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin... đều được nhận tiền và quà, trị giá hơn 570 triệu đồng. Xây dựng 18 công trình giao thông nông thôn trị giá hơn 85,5 tỷ đồng; 4 công trình giáo dục với gần 20 tỷ đồng; 2 công trình văn hóa - thể thao  gần 15,5 tỷ đồng; 15 công trình phúc lợi công cộng về điện, nước sạch gần 28 tỷ đồng; nạo vét kênh gần 205 triệu đồng; đầu tư trang thiết bị y tế 420 triệu đồng, xây dựng chợ gần 1,5 tỷ đồng...

Năm 2014, các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở đầu tư gần 885,3 tỉ đồng (chưa tính 02 xã điểm của tỉnh) để tổ chức các hoạt động “Về nguồn”, tăng hơn 220,7 tỷ đồng, so với năm 2013. Trong đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và công tác xã hội luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện xây dựng 187 căn nhà tình nghĩa, 329 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, Mái ấm công đoàn… với kinh phí hơn 16,9 tỷ đồng. Song song với việc trao tặng nhà, Ban Tổ chức “Về nguồn” các cấp cử các đoàn cán bộ gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà, khánh vàng và hiện vật cho 275 Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; tặng quà cho hơn 2.770 thân nhân gia đình liệt sỹ, 6.660 gia đình, cá nhân thuộc diện chính sách, với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Trong hoạt động xã hội, các địa phương có nhiều nghĩa cử tốt đẹp, tặng quà cho hơn 38.410 hộ có hoàn cảnh khó khăn, 3.620 người tàn tật, 1.470 người nhiễm chất độc da cam, 2.040 học sinh, sinh viên được nhận học bổng, 17.720 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học được nhận tiền, xe đạp, tập sách tiếp sức đến trường… Tổng số tiền thực hiện công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” và công tác an sinh xã hội hơn 20,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là việc đầu tư thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Thi công 488 công trình giao thông nông thôn, với kinh phí hơn 310,3 tỷ đồng; làm mới và nâng cấp sửa chữa 170 cây cầu, hơn 169,1 tỷ đồng; đầu tư 61 công trình văn hóa, y tế, gần 69,8 tỷ đồng; thực hiện 178 công trình thủy lợi, gần 144,6 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 53 công trình giáo dục, hơn 92,9 tỷ đồng…

Với hàng trăm công trình được đầu tư xây dựng phục vụ cho tiêu chí nông thôn mới trong hoạt động “Về nguồn”, dự kiến đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có thêm 16 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là cũng là mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, được tỉnh, các huyện, xã đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2015, điểm tổ chức “Về nguồn” của tỉnh tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An và xã Bình Thành, huyện Đức Huệ. Đây là lần đầu tiên tổ chức 3 xã điểm cấp tỉnh trong một năm. Phát biểu chỉ đạo hoạt động “Về nguồn” năm 2015, đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Long An kêu gọi tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục dành cho đồng bào nghèo và các gia đình chính sách sự quan tâm, ủng hộ chí tình, chí nghĩa; tạo điều kiện để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình “Giải quyết việc làm, giảm nghèo” trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả hơn nữa. Hoạt động “Về nguồn” tiếp tục hướng đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, những nơi mà thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn; phấn đấu qua các hoạt động “Về nguồn” sẽ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới, giúp dân có điều kiện sản xuất, đời sống sinh hoạt tốt hơn.

Đoàn Công Tol

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN