Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến văn hóa dân vận và chính Người là tấm gương mẫu mực trong thực hiện văn hóa dân vận. Người hiểu rất sớm, rất rõ sức mạnh, quyền hành, lực lượng ở nơi dân. Điều đó được thể hiện ở nhiều phương diện: lực lượng của dân, ứng xử trọng dân, đền đáp công ơn của dân. Hồ Chí Minh cho rằng: văn hóa dân vận không chỉ bó hẹp trong phương tiện, quy chế, mà cuối cùng là mục đích của cách mạng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Khi còn ở Chiến khu Cao Bằng, để chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Hồ Chí Minh thường căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tìm diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo. Tất cả chính sách dân vận của Người và của Đảng vừa tiếp thu tự giác truyền thống khoan thư sức dân, an dân, giữ chặt lòng dân của các vị anh hùng dân tộc, của các vị minh quân, vừa thấm sâu mối quan hệ biện chứng giữa nước và dân, giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, giữa công quyền và dân quyền. Nhưng tất cả và cao hơn cả đều đi đến mục tiêu: lợi ích vì dân, quyền hạn do dân, trách nhiệm và công việc của dân. Văn hóa dân vận Hồ Chí Minh có thể khái quát trên những luận điểm sau:
Thứ nhất, học hỏi liên hệ, bàn bạc với dân và lắng nghe ý kiến của dân. Đây là bài học lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây, Người đã tổng kết: kinh nghiệm các địa phương cho thấy nơi nào công việc kém là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi nào kha khá là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng. Dân chúng có nhiều tai mắt, nhiều kinh nghiệm. Lắng nghe dân là cách tốt nhất để tiếp thu kinh nghiệm của dân. Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến của dân, đặc biệt phải chú ý nghe hai chiều: thuận và nghịch. Phải có cái tâm, cái đức trong sáng, một tấm lòng vì dân, vì nước; phải có cách ứng xử đạt đến độ văn hóa thì mới nghe được những ý kiến chân thành của dân góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đã dạy: không học hỏi dân, không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân mới làm được thầy học của dân. Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng mà nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”#(1).
Thứ hai, tin dân, yêu dân, kính dân. Chúng ta có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã cảnh cáo nguyên nhân của bệnh quan liêu là do xa Nhân dân, khinh Nhân dân, không tin tưởng Nhân dân, không yêu thương Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, những người không trọng dân vì họ cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình. Còn những người không tin dân là vì họ quên rằng không có lực lượng Nhân dân thì việc dễ mấy, nhỏ mấy làm cũng không xong; có lực lượng dân thì việc to mấy, khó mấy cũng làm được. Tin tưởng và tôn trọng Nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử, những người làm ra của cải, vật chất, những người được sánh với Trời, Đất theo triết học phương Đông như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”. Trước đây, Hồ Chí Minh chỉ ra, tôn trọng Nhân dân có nhiều cách, trong đó chứa đựng cả nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tuy nhiên ở một số nơi mới chỉ thực hiện được một vế “dân làm”, như vậy chưa thể gọi là trọng dân, tin dân, yêu dân, chưa thể coi là có “văn hóa dân vận Hồ Chí Minh”.
Thứ ba, thực hiện dân quyền, dân sinh, dân chủ. Đây là vấn đề lớn, bởi vì cái đích của Đảng là phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhân dân xây dựng xã hội Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quyền con người và quyền công dân đã được ghi vào Hiến pháp và đang từng bước được thực hiện. Nhưng rõ ràng ở nhiều địa phương, điều nhức nhối là hiện tượng lạm dụng quyền hành, nhiều khi vi phạm trắng trợn quyền con người và quyền công dân. Để nâng cao văn hóa dân vận Hồ Chí Minh, rõ ràng phải chăm lo mức sống, chất lượng sống, lối sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho Nhân dân bao gồm cả dân trí, dân chủ. Bởi vì văn hóa dân vận theo nghĩa rộng bao quát tư tưởng và tình cảm, khoa học và nghệ thuật, cuộc sống và lối sống của Nhân dân.
Những điều trên cho chúng ta thấy rằng: nói văn hóa dân vận là nói đến mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo công quyền và dân quyền. Điều này đòi hỏi mọi chính sách của Đảng, Nhà nước phải thấm nhuần phương châm giữ chặt lòng dân, tức là phải hiểu rõ tâm trạng, nguyện vọng, niềm tin của đối tượng mà mình lãnh đạo. Trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, Đảng là người lãnh đạo, Nhân dân là đối tượng lãnh đạo, chịu sự lãnh đạo và trong mọi thời kỳ cách mạng, đều cần có sự lãnh đạo vững vàng của Đảng. Lãnh đạo là nói khái quát việc định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra đường lối, chủ trương, phương pháp tổ chức thực hiện mục tiêu đó. Trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân thì đối tượng lãnh đạo của Đảng chính là quần chúng Nhân dân, là những con người với tất cả những nhu cầu và lợi ích mà Đảng cần nắm và giải quyết thỏa đáng. Dân là chủ, Đảng là đầy tớ nghĩa là Đảng phải trung thành và tận tụy phục vụ Nhân dân. Trong Di chúc lịch sử để lại cho dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân”#(2). Đây chính là bản chất trong văn hóa dân vận Hồ Chí Minh.
Muốn lãnh đạo có hiệu quả thì trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nhưng còn phải có tài năng. Cán bộ lãnh đạo càng cao thì tính gương mẫu càng phải sáng, tài năng phải được phát lộ ở trình độ tổng kết lý luận và phương pháp giải quyết thực tiễn, chứ không nên chỉ nói mà không làm, nói nhiều chuyện vô bổ, thiếu lượng thông tin, lý luận theo kiểu khô cứng, nhàm chán thiếu hơi thở của đời sống Nhân dân. Bên cạnh số đông cán bộ, đảng viên giữ được phẩm chất cách mạng, gắn bó với Nhân dân thì một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bộc lộ đạo đức phẩm chất thấp kém. Xét trên góc độ văn hóa dân vận, họ biểu hiện ở những hiện tượng chủ yếu sau:
Một là, tình trạng quan liêu, xa dân, giảm sút vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Đáng chú ý, trong nền kinh tế thị trường đã xuất hiện một khoảng cách lớn giữa một số cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân lao động, nhiều người sống xa dân, trên dân. Không chỉ các cơ quan của Đảng sống xa dân mà ngay các tổ chức cơ sở đảng, “gốc rễ của Đảng trong dân” cũng xa dân. Sự xa dân, quan liêu đã dẫn tới nghị quyết của một số tổ chức đảng không phản ánh được đúng tâm tư nguyện vọng quần chúng, đó là nguy cơ giảm sút văn hóa Đảng trong thực hiện văn hóa dân vận.
Hai là, việc thể chế hóa, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về dân vận thành luật pháp, cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đạt đến độ văn hóa. Việc thực hiện văn hóa dân vận phải được tiến hành tự giác cao từ hai phía đó là: Đảng lãnh đạo phát huy nguồn lực trong dân, thực hiện triệt để, kiên quyết các cơ chế, chính sách đãi ngộ với Nhân dân và việc Nhân dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên trong thực hiện, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế trong việc chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng đã dẫn đến tình trạng Mặt trận và các đoàn thể còn nhiều mặt yếu, chưa khắc phục được các hoạt động theo kiểu hành chính, hiệu quả thấp. Đồng thời, một bộ phận Nhân dân do trình độ dân trí chưa đủ năng lực làm chủ trên thực tế, và do đó chưa đủ năng lực để tham gia xây dựng Đảng thiết thực, có hiệu quả.
Ba là, hiện tượng xa dân của một số cán bộ, một bộ phận đảng viên cấp cao thường ngại sinh hoạt với quần chúng Nhân dân. Nếu có sinh hoạt thì thiếu nghiêm túc tự phê bình và phê bình, sợ ý kiến đóng góp của quần chúng. Họ thường ngại xuống cơ sở, ít chịu khó học tập để nâng cao trình độ kiến thức. Một số cấp ủy đảng ở lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục thường ngại đề bạt, bổ nhiệm, kết nạp Đảng những trí thức giỏi, vì họ có cá tính, sợ người ta hơn mình. Nguyên nhân của tình trạng thì có nhiều, nhưng rõ rệt nhất là tâm lý hẹp hòi, đố kỵ. Ngay từ những năm 60 thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã thấy rõ một bộ phận cán bộ “đang mang nặng cái ba lô chủ nghĩa cá nhân”. Cũng do chủ nghĩa cá nhân thực dụng chi phối đã dẫn tới vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, đó là mối nguy hại nhất đến bản chất văn hóa Đảng và văn hóa dân vận.
Thực tế đã cho thấy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, Đảng đã tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta kiên định đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển vượt qua thời kỳ khủng hoảng, an ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng được củng cố vững chắc, ngoại giao được khẳng định vị thế và mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa; quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng là lý luận tiên phong cho Nhân dân hành động. Thực hiện tốt văn hóa dân vận Hồ Chí Minh sẽ tạo ra tiền đề lý luận và thực tiễn hoàn chỉnh để thực hiện văn hóa Đảng, để Đảng ta luôn xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, tiếp tục lãnh đạo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.
1 Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG - ST, H.2011, tr. 326.
2 Hồ Chí Minh toàn tập, t.15, Nxb CTQG - ST, H.2011, tr. 612.