Thứ Hai, 6/5/2024

Ngày Xuân bàn về quan niệm dùng người của cha ông xưa

Quan niệm về con người và dùng người là nội dung quan trọng trong việc xây dựng các triều đại phong kiến ở nước ta. Trong đó, điển hình là vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497), ông đã đưa Đại Việt trở thành một quốc gia phát triển thịnh trị nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Có được thành công đó là do trong thời gian trị vì ông đã có quan niệm về con người và sử dụng con người một cách hợp lí, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Nhân dịp xuân mới, xin được luận bàn đôi điều về tư tưởng chính trị - xã hội này của ông để chúng ta cùng suy ngẫm.

Dưới chế độ phong kiến, con người được quan niệm có hai loại chính, đó là quân tử và tiểu nhân. Người quân tử thường là những người có địa vị, trọng trách trong xã hội, đóng vai trò quyết định đến vận mệnh của một triều đại. Theo Lê Thánh Tông: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên bình trị”(1), là những trí thức nho học. Tuy nhiên, theo ông sự học là điều cốt yếu để trở thành người quân tử nhưng không phải ai cũng có thể đi học, đi thi để trở thành người quân tử. Bởi vì, ngoài sự học ra họ còn phải là những người đức hạnh, có thân nhân tốt, còn những kẻ “bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa, thì tuy có học vấn, giỏi văn bài thì cũng không cho vào thi”(2)… Sơ qua vài nét như vậy cho thấy sự tiến bộ về quan niệm con người của Lê Thánh Tông so với nhiều nhà tư tưởng đương thời.

Từ quan niệm về người quân tử như trên, ông đi sâu bàn về đạo làm người theo những quy chuẩn của Nho giáo. Trong đó đề cập chủ yếu về đạo làm vua và đạo làm tôi. Nói đến đạo làm vua, theo ông, trước hết phải kính trời, ái dân, sau đó là siêng năng, biết cầu hiền tài để trị quốc nhằm làm cho đất nước thái bình thịnh trị:          

“Đế vương đạo lớn cốt cho tinh

Lo nước kính trời hết sức mình

Cầu hiền quốc sách nhằm tôi đức

Ngược xuôi khắp chốn hưởng thanh bình”(3)

Về đạo làm tôi, theo Lê Thánh Tông thì phải tận trung với vua và hết sức giúp nước:

“Năm đấng (ngũ luân) lẽ hằng vẹn trước sau,

Vua tôi đạo cả trên đầu

Thể trời đất ngôi cao thấp

Vì nước, dân, thủa dấu âu”(4)

Quan niệm về con người như trên đã chi phối sâu sắc đến chủ trương dùng người của ông. Gần 40 năm trị vì đất nước ông đã chú tâm xây dựng một bộ máy cai trị bao gồm đa phần là những hiền tài của đất nước, góp phần quan trọng đưa quốc gia ổn định và thịnh trị. Có thể thấy chủ trương dùng người của ông thể hiện ở những điểm cốt yếu sau:

Thứ nhất, ông xem hiền tài là nguyên khí của quốc gia, là rường cột của đất nước. Ông cho rằng: “Việc chính trị lớn của đế vương không gì cần bằng nhân tài”(5). Suốt thời gian trị vì ông đã chọn và đưa nhiều nho sĩ có tài như Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lương Thế Vinh… vào bộ máy nhà nước. Đặc biệt, ông còn cho dựng bia tiến sĩ bắt đầu ghi những người đỗ tiến sĩ từ năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3 - 1442, đặt nền móng cho một định lệ trong lịch sử khoa bảng ở nước ta.

Thứ hai, ông chủ trương dùng người thông qua thi cử hoặc tiến cử mà xem nhẹ quan hệ thân nhân, hậu duệ. Có thể nói, dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông, đất nước Đại Việt đạt được nhiều thành tựu, đời sống của người dân được ấm no, việc học hành, khoa cử được đề cao. Trong khoảng 100 năm thời Lê Sơ đã tổ chức được 26 khoa thi, có 989 tiến sĩ trong đó có 21 trạng nguyên. Tính riêng những năm tháng trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức 12 khoa thi, lấy được 501 tiến sĩ, trong đó có 12 trạng nguyên. Hầu hết những tiến sĩ và trạng nguyên được sử dụng cho bộ máy chính trị của đất nước. Về dùng người qua tiến cử, Lê Thánh Tông đã chủ trương nhắc nhở các quan lại tìm kiếm tiến cử người hiền tài. Trong các chỉ dụ của vua ban, ông cho phép mỗi quan lại triều đình được tiến cử một người (có trí, đức, cương trực, liêm khiết) để bổ sung vào đội ngũ quan huyện. Chỉ dụ các năm  Hồng Đức thứ 8 (1477), thứ 13 (1482), thứ 18 (1487) đã ghi rõ điều này. Trong các chỉ dụ còn ghi rõ, người  tiến cử phải chịu trách nhiệm về người mà mình đã lựa chọn để tiến cử. Chỉ dụ ghi: “Cử người xứng đáng thì được khen thưởng, nếu thấy người được bảo cử phụ lòng người cử làm càn, những việc tham lam đen tối thì cho nói trước ra khỏi bị vạ lây. Nếu giấu giếm không nói thì người bảo cử cũng phải tội như người được bảo cử”(6).

Đặc biệt về đào tạo nhân tài cho đất nước, năm Hồng Đức thứ 19 (1488) Lê Thánh Tông còn ban hành chiếu khuyến học, trong đó có đoạn viết: “Từ nay trở đi, phàm học trò đã từng đọc sách, biết làm văn mà có hạnh kiểm, thi đỗ được miễn tuyển, thì tha cho nửa phần thuế và sai dịch, để mở rộng thêm đức ý của triều đình nuôi dậy nhân tài”(7).

Thứ ba, dùng người quân tử, loại kẻ tiểu nhân trong bộ máy cai trị. Ông quan niệm: quan lại là bậc cha mẹ của dân. Do vậy phải là tấm gương cho dân noi theo. Tiểu nhân là mầm mống của bạo loạn cho nên phải loại bỏ khỏi bộ máy cai trị. Ông đã nói: người quân tử là cội gốc để tiến đến bình trị, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến loạn lạc. Ta và các ngươi thề với trời đất dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy. Theo ông, nếu trị nước mà dung túng bọn tiểu nhân, kẻ ác bá với dân, tham quan ô lại, bỏ quên người hiền tài thì tất sẽ làm cho đất nước suy yếu đi đến đổ vỡ. Trong bài thơ “Gò cũ họ Quách” của mình ông đã viết: “Giữ nước kẻ ác còn dung/ Muốn cho nước thịnh lại không chuộng hiền/ Dần dà thì nước đảo điên/ Nguy như sông rộng không thuyền vượt qua”(8)

Thứ tư, thăng bổ quan lại phải thông qua thử thách, điều chuyển. Dưới thời Lê Thánh Tông, những nho sĩ đã đỗ đạt, trong quá trình được sử dụng đều phải trải qua thử thách. Những người không thể hiện được năng lực trong công việc, không đáp ứng được đòi hỏi của triều chính đều bị điều chuyển từ cao xuống thấp, thậm chí cho nghỉ việc. Quan lại đều phải thông qua khảo hạch để phân loại, được chia làm ba loại: “Những người có năng lực, giỏi thành một hạng, loại bình thường biên làm một hạng, loại kém cỏi biên làm một hạng. Trong đó giỏi có năng lực thì được khen thưởng, loại bình thường lưu lại làm việc, hạng kém cỏi thì bổ làm chức chuyển việc”(9).

Ngoài việc dùng người của Lê Thánh Tông còn phải kể đến chính sách của triều đình Lê - Trịnh đối với dân tộc thiểu số ở đàng ngoài. Những chính sách này tuy về cơ bản vẫn kế thừa chính sách của các triều đại phong kiến trước đó nhưng có phần cụ thể hơn, sát hợp hơn nhằm mua chuộc tầng lớp tù trưởng để ngăn chặn ý định chống đối của các tù trưởng dân tộc ít người, giữ yên vùng biên ải. Đó là việc ban hành các phủ dụ, mua chuộc phong quan tước cho các tù trưởng như năm 1665, chúa Trịnh Tạc (1657-1682) gia phong cho phiên thần ở Lạng Sơn là Nguyễn Đình Kế tước Hoằng quận công vì đã dụ được các thổ tù Bế Công Trượng và Bế Quốc Tế quy thuận triều đình(10). Năm 1745, triều đình Lê - Trịnh ban tặng cho phiên thần Thái Nguyên là Ma Thế Lộc tước Quận công…

Ngoài việc phong các tước hầu, triều đình Lê - Trịnh còn thực hiện chính sách “Nhu viễn”, tức đối xử mềm dẻo, nhẹ nhàng đối với đồng bào thiểu số ở vùng xa xôi, biên viễn của Tổ quốc, ban bố nhiều dụ chỉ nhằm giảm nhẹ thuế khóa, hoặc tha thuế cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Chính sách dùng người của các triều đại phong kiến ở nước ta tuy không tránh khỏi những hạn chế lịch sử nhưng cho thấy có những bước tiến đáng kể. Nó đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng đất nước trong thời bình, để lại nhiều bài học lịch sử quý báu cho chúng ta nghiên cứu, nhất là, hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thu hút hiền tài là vấn đề cấp bách đặt ra.

 

1. Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, NXB. Văn hoá thông tin, H, 2004, tr.256.

2. 5.7.9. Sđd, tr.251, 393, 412, 263.

3.4.8. Tổng tập văn học Việt Nam, t.4, NXB. KHXH, H, 2000, tr.442, 972, 524.

6.10. Đại Việt sử ký toàn thư, t.4, NXB. KHXH, H, tr.271.

 

TS. Nguyễn Thanh Tuyền

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN