Thứ Hai, 6/5/2024

Thừa Thiên Huế: Những tín hiệu của “tăng cường và đổi mới”

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo của miền Trung và cả nước; có biên giới biển, đất liền và 3 vùng sinh thái gồm vùng núi, trung du và đồng bằng ven biển. Dân số khoảng 1,116 triệu người, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, trên địa bàn tỉnh có gần 58.000 người dân tộc thiểu số, gồm Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều và các dân tộc khác; có khoảng 60 vạn tín đồ Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, B’hai và một số tôn giáo khác, chiếm hơn 50% dân số của tỉnh. Thời gian qua, tình hình Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ổn định. Các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh và hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển bền vững.

Đặc biệt, từ sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban của Tỉnh ủy, các đoàn thể tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) kế hoạch nghiên cứu, quán triệt và triển khai nghiêm túc Nghị quyết. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, bước đầu cho thấy những chuyển biến tích cực về nhận thức, thể hiện việc “tăng cường và đổi mới” trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác dân vận trong bối cảnh mới.

Nét “đổi mới” thể hiện trước hết là sự quan tâm đặc biệt của BTVTU trong việc cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương. Trước khi Nghị quyết của Trung ương ban hành, Ban Dân vận Tỉnh ủy sớm chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy thành lập Đoàn khảo sát tình hình lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận ở các đảng ủy trực thuộc. Qua đó, đánh giá toàn diện, sát thực tiễn kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trên từng lĩnh vực công tác dân vận. Trên cơ sở kết quả các đợt khảo sát, đánh giá, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy Đề án “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm phát huy sức mạnh các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Đề án là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thảo luận và thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TU, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Thời gian gần 2 năm chưa đủ để đánh giá kết quả cụ thể của việc thực hiện Nghị quyết. Tuy vậy, những chuyển biến tích cực trong công tác tham mưu của ban dân vận các cấp ủy đã phần nào phản ánh được tác động ban đầu theo tinh thần “tăng cường và đổi mới” về công tác dân vận đối với đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy với việc lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên cần tham mưu đột phá. Đó là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước với việc “tăng cường” đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác dân vận của chính quyền cho các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Trong năm 2013 đã tổ chức bồi dưỡng cho 79 đồng chí; năm 2014 tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận của chính quyền cho 73 đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo UBND, một số phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Tập trung rà soát các quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác dân vận giữa các ban, ngành để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình công tác hiện nay. Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức khảo sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác dân vận đối với một số đảng ủy trực thuộc như Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, các đảng ủy: Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Học viện Âm nhạc Huế; qua đó nhằm hướng dẫn và tham mưu BTVTU chỉ đạo các đảng ủy thực hiện việc “tăng cường” lãnh đạo hơn nữa công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Đa số cấp ủy các cấp đã chú trọng hơn việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, nhất là “tăng cường” chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận  của chính quyền mà trọng tâm là công tác cải cách hành chính; giải quyết các vấn đề bức xúc kéo dài trong Nhân dân, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng; chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể vận động hội viên, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Qua 4 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của Thừa Thiên Huế đạt được một số kết quả đáng khích lệ, bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã, cao hơn so với bình quân cả nước (9,64 tiêu chí/xã); không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; có 6 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, gồm các xã: Hương Hòa, Hương Giang (huyện Nam Đông), Phú Thượng (huyện Phú Vang), Phong Hải, Phong An (huyện Phong Điền), Quảng Phú (huyện Quảng Điền), chiếm tỷ lệ 6,5%, cao hơn 0,7% so với cả nước (5,8%). Qua đó từng bước góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập của đại bộ phận cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, người nghèo được hỗ trợ nâng cao một bước về điều kiện sống và sản xuất, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng; có thêm cơ hội vươn lên, tạo thu nhập để thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định đời sống của người dân nông thôn.

Ban Dân vận cấp ủy các huyện, thị xã và thành phố Huế đã có nhiều “đổi mới” trong công tác tham mưu và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ công tác dân vận. Ban Dân vận Huyện ủy A Lưới, Huyện ủy Phong Điền phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ khối dân vận cơ sở. Nhiều ban dân vận đã sáng tạo và đổi mới hình thức tổ chức giao ban công tác và đem lại hiệu quả (lựa chọn những vấn đề bức xúc làm chuyên đề chính trong các hội nghị giao ban định kỳ, mở rộng thành phần giao ban mời thêm khối lãnh đạo chính quyền, các phòng, ban chuyên môn để phối hợp vận động, giải quyết…). Một số ban dân vận tiếp tục phát huy tốt mô hình tổ dân vận thôn, bản (Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà); tham mưu, hướng dẫn thực hiện tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị (Nam Đông, Phong Điền, thành phố Huế,…) thông qua Phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động các phòng trào đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức theo hướng sát với thực tế, phù hợp với tình hình mới, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đông đảo đoàn viên, hội viên. Hoạt động các phong trào đã có chuyển biến mới về nội dung, phương thức, tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; các loại hình tập hợp quần chúng tiếp tục được đa dạng hóa. Nhiều hoạt động góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tỉnh nhà, đồng thời thể hiện rõ nét hơn vai trò của tổ chức đoàn thể trong phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Đáng chú ý trong phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh đô thị, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở đã phối hợp chọn lựa các tiêu chí, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp để triển khai trong tổ chức của mình, tránh trùng lắp với các đoàn thể khác.

Hội Cựu chiến binh với các mô hình nhằm thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để vận động hội viên, gia đình, người thân trong việc hiến kế, hiến công, hiến đất, hiến tài sản, giải phóng mặt bằng. Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” với nhiều mô hình tiêu biểu, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về vệ sinh môi trường như “Con đường xanh, sạch, đẹp”, “Hàng rào xanh”, “Xử lý rác thải tại gia đình”. Hội Nông dân với các mô hình nhằm tuyên truyền, vận động hội viên phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện tốt việc cưới, tang, lễ hội theo đúng quy định, bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Phong trào thi đua được MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội chú trọng nâng cao chất lượng, có nhiều mô hình nhân rộng và xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Bí (xã Quảng An, huyện Quảng Điền) hiến 1 tỷ đồng để xây nhà văn hóa thôn; hộ ông Nguyễn Dinh (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) hiến 130m2 đất để làm đường giao thông; hộ ông Hồ Văn Dương (xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) hiến 1 ha đất để làm nghĩa trang huyện; gia đình ông Hồ Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh (quê xã Điền Môn, huyện Phong Điền) hỗ trợ trên 8 tỷ đồng xây dựng trung tâm thương mại xã Điền Môn… Đặc biệt, trong năm 2014, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực triển khai hướng dẫn của Tỉnh ủy về thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Những kết quả bước đầu trong việc triển khai Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trên địa bàn Thừa Thiên Huế cho thấy những tín hiệu “tăng cường và đổi mới” sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác dân vận. Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công tác dân vận địa phương, đề nghị Trung ương quan tâm một số vấn đề:

1- Tiếp tục cụ thể hóa một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 25-NQ/TW bằng các chính sách phù hợp để các địa phương triển khai thực hiện, nhất là chính sách thu hút, ưu đãi người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác dân vận.

2- Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương giao định mức biên chế cán bộ khối Đảng theo Quy định 219-QĐ/TW và Quy định 220-QĐ/TW, ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư nhằm giúp địa phương kiện toàn, củng cố tổ chức ban dân vận đáp ứng yêu cầu tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới.

3- Có hướng dẫn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ công tác dân vận đối với đảng ủy khối các cơ quan, khối doanh nghiệp, các đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.

4- Tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên đề, trao đổi học tập kinh nghiệm công tác dân vận, trên một số lĩnh vực như: Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác dân vận của chính quyền, công tác vận động trí thức… và các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn công tác dân vận trong tình hình mới.

Hy vọng với sự quan tâm của Trung ương và cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ dân vận ngày càng lớn mạnh và không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt công tác dân vận trong tình hình mới.

Phạm Quốc Dũng

Các bài khác

TẠP CHÍ IN