Thứ Hai, 6/5/2024

Những điểm sáng của chính quyền gần dân

Qua hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 290 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, thực tiễn từ nhiều địa phương, đơn vị cho thấy công tác dân vận của cơ quan nhà nước đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Nhiều mô hình, cách làm hay từ thực tiễn đã chứng minh sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ công chức trong việc xây dựng chính quyền nhà nước, nền công vụ theo hướng gần dân, phục vụ Nhân dân.

“Ngày thứ sáu nghe dân nói”

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” xuất phát từ yêu cầu của lãnh đạo xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp với mong muốn lắng nghe được những phản ánh, bức xúc, giải quyết tốt nhất các vướng mắc của người dân. Tân Thạnh là xã vùng ven của huyện Thanh Bình, dân cư tập trung đông, 80% dân số sống bằng nghề nông, là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự… Xã Tân Thạnh thực hiện mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” từ tháng 9/2013, với việc tổ chức cho cán bộ, công chức tiếp xúc với Nhân dân theo định kỳ 02 tuần/01 lần/01 ấp. Thành phần tham gia buổi tiếp xúc gồm chủ tịch và các phó chủ tịch xã; các công chức chuyên môn (thuộc các lĩnh vực: văn phòng thống kê; tư pháp; địa chính; thương binh xã hội; công an; quân sự; y tế; văn hóa xã hội; thú y; bí thư Chi bộ; trưởng ban Nhân dân ấp và hiệu trưởng trường). Các buổi tiếp xúc thường được bố trí ngay tại nhà dân của các ấp trong xã. Các ý kiến phản ánh, thắc mắc của Nhân dân được cán bộ, công chức trả lời ngay trong buổi tiếp xúc. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết, xã có công văn gửi về ngành dọc cấp trên xem xét giải quyết và sau đó có văn bản trả lời cho người dân hoặc trả lời trực tiếp tại buổi tiếp xúc lần sau.

Sau khi triển khai thực hiện đến nay, xã Tân Thạnh đã tổ chức được 24 cuộc đối thoại, tiếp xúc với dân ở 04 ấp với 1.080 lượt người dân tham dự. Mỗi lần tiếp xúc nhiều nhất 97 người, ít nhất 35 người; số lượt ý kiến nhiều nhất là 11, ít nhất là 5 ý kiến. Trên cơ sở mô hình của xã Tân Thạnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Bình đã ban hành Quy chế cán bộ, công chức xã, thị trấn tiếp xúc với Nhân dân khóm, ấp. UBND huyện ban hành Kế hoạch “Nhân rộng mô hình cán bộ, công chức tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân khóm, ấp”. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện đều xác định rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia tiếp xúc với Nhân dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Các xã, thị trấn duy trì tốt việc tổ chức cho cán bộ, công chức cấp xã định kỳ tiếp xúc với Nhân dân 02 tuần/lần/khóm, ấp vào chiều thứ sáu hàng tuần.

Nhìn chung, những vấn đề đặt ra tại cuộc tiếp xúc, đối thoại đều được cán bộ, công chức trả lời, giải trình thỏa đáng, được Nhân dân đồng tình. Những ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền của xã được kịp thời chuyển lên cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết để thông tin, trả lời cho dân ở cuộc tiếp xúc lần sau. Ngoài ra, đối với lãnh đạo huyện Thanh Bình, định kỳ 03 tháng/lần đối thoại với dân trên sóng phát thanh theo chuyên đề, nhất là các vấn đề “nóng” như đất đai, nông sản… Chủ tịch huyện mỗi tuần giải quyết 01 lần về vấn đề đất đai cho các hộ dân, trước khi ban hành quyết định chính thức thì gặp lại hộ dân một lần nữa để thống nhất cách thức giải quyết.

“Chính quyền vì Nhân dân”

Xã Đak R’la là một xã khó khăn của huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông cách trung tâm huyện 16 km, có 13 thôn với hơn 2.500 hộ, 11.500 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm 60%, có 3 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và Tin Lành. Đảng bộ xã có 21 chi bộ trực thuộc, 210 đảng viên. Đây là xã thực hiện chủ trương bí thư Đảng  ủy kiêm chủ tịch UBND xã.

Trong những năm qua, chính quyền xã đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật  về Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các khoản thu chi. Đảng ủy xã tổ chức hội nghị “Lắng nghe tiếng nói Nhân dân” bằng việc tổ chức đối thoại tại các thôn, theo định kỳ 01 năm tổ chức 2 lần. Thành phần đối thoại với Nhân dân gồm các đồng chí: thường trực Đảng ủy, thường trực UBND và 7 cán bộ công chức liên quan trực tiếp đến người dân (đất đai, hộ tịch, tài chính, công an…).

Thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các kế hoạch của xã về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới… đều có sự tham gia góp ý của Nhân dân. Các nguồn huy động đóng góp đều do dân bàn, dân quyết định, xã và thôn đều có Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; công khai các loại vốn, các hạng mục thu chi… Tính từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động khoảng 15 tỷ đồng trong Nhân dân (chưa tính đến diện tích đất do Nhân dân hiến tặng). Tiêu biểu như tại thôn 1, do cách xa trung tâm xã khoảng 10 km nên thiếu điện, dân thống nhất bàn bạc, tự tổ chức, hạ đặt 7 trạm biến áp từ đầu đến cuối thôn (giá trị 4,6 tỷ đồng) hay ở thôn 5, xây dựng đường bê-tông 1,2 km trị giá 950 triệu đồng…

Về cải cách hành chính, xã công khai tất cả thủ tục đến dân, thực hiện “một cửa liên thông”, việc xử lý hồ sơ của dân tối đa trong 3 ngày hoặc chỉ bắt buộc giải quyết trong ngày, không còn tình trạng “ngâm” hồ sơ như trước đây. Thực hiện công khai số điện thoại của chủ tịch xã trên đài, trong buổi họp dân để khi cần người dân liên lạc, phản ánh… Đặc biệt trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, cấp ủy và chính quyền xã đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giải phóng sức ì trong dân. Điều này thể hiện qua từ một xã nghèo, nay xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đầy đủ trường với các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông; kinh tế xã hội phát triển, đời sống Nhân dân ổn định…

“Ngành điện lắng nghe tiếng nói của Nhân dân”

Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh do Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ và được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đảng bộ Tổng Công ty là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh hiện có 24 đảng bộ, chi bộ cơ sở với tổng số 950 đảng viên/ 7.360 cán bộ công nhân viên.

Nhằm tạo sự gắn bó các cơ quan, đơn vị, các khách hàng lớn và Nhân dân trên địa bàn thành phố, Tổng Công ty và các công ty đã triển khai công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với chính quyền địa phương và khách hàng thông qua “Hội nghị ngành điện gắn bó với chính quyền địa phương, lắng nghe ý kiến Nhân dân để hoàn thiện và phát triển”. Các hội nghị được tổ chức đều đặn hàng năm từ năm 2012 đến nay, theo chỉ đạo của Đảng ủy Tổng Công ty và tạo ra những hiệu ứng tích cực. Hội nghị khách hàng tổ chức trao đổi trực tiếp với khách hàng là những doanh nghiệp lớn như khách hàng ở khu chế xuất, khu công nghiệp hay lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh… và tổ chức ở Tổng Công ty hay trực tiếp các quận - huyện với sự tham dự của lãnh đạo quận, huyện, lãnh đạo các sở, ngành. Sau 3 năm tổ chức, hội nghị đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.240/2.271 kiến nghị. Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn lắng nghe tiếng nói, phản ánh của người dân, khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, trang thông tin điện tử, SMS…

Ngoài ra, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng Công ty cũng chỉ đạo tổ chức thực hiện các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả lớn. Thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Tổng công ty thực hiện vận động hơn 58.400 chủ nhà trọ cam kết không tăng giá tiền điện, đảm bảo ổn định giá cho công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà được hưởng mức giá đúng quy định. Hiện có hơn 7.200 hộ đang được sử dụng theo giá bán điện theo diện hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp. Đoàn Thanh niên Tổng công ty thực hiện các chương trình vận động tiết kiệm điện như “Tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện”, “Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm”, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Nguồn sáng an toàn, văn minh, tiết kiệm”... Các mô hình này cũng được Trung ương Đoàn nhân rộng, thực hiện ký kết liên tịch thực hiện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo sự tận tụy của cán bộ công chức”

Quận 1 là quận trung tâm của TP. Hồ Chí Minh, là nơi tập trung các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Ban Thường vụ Quận ủy xác định công tác dân vận của chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Quận ủy ban hành QĐ146 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị quận. UBND quận có Kế hoạch số 111 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình hình mới.

Để thực hiện công tác cải cách hành chính, lãnh đạo UBND quận, phường xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng việc tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý các thủ tục hành chính, giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, thực hiện phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo sự tận tụy của cán bộ công chức”. Cụ thể qua các cách làm như: (1) Tổ chức khảo sát sự hài lòng của khách hàng qua bảng điện tử tại UBND quận và 10 phường, tại tổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Toàn bộ thông tin đánh giá này được thống kê và báo kết quả về UBND quận qua hệ thống điện tử. (2) Thực hiện thư xin lỗi đối với hồ sơ trễ hẹn và áp dụng hệ thống nhắn tin để lấy số thứ tự giải quyết hồ sơ. Tại một số phường như phường Bến Nghé còn sáng tạo trong việc làm thư chúc mừng nhân việc công dân đến đăng ký kết hôn hay làm giấy khai sinh hoặc thư chia buồn khi gia đình có tang (3) Thực hiện công khai bản đồ quy hoạch quận trên màn hình điện tử tại Phòng Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. (4) Tổ chức thực hiện thí điểm quản lý dân cư bằng phần mềm lưu trữ dấu vân tay tại phường Bến Thành, cập nhật thông tin của người dân trên hệ thống máy tính. Khi đến giao dịch, người dân chỉ cần thao tác trên hệ thống quét dấu vân tay để tìm thông tin cá nhân. Nếu người dân đã có lưu hồ sơ trong hệ thống thì không cần đem bản gốc giấy tờ đến sao y… Người dân có thể truy cập qua trang thông tin điện tử của phường, nếu đã có lưu hồ sơ cá nhân tại phường thì có thể thực hiện việc đăng ký công chứng giấy tờ tại nhà và đến nhận tại phường. Qua việc thực hiện mô hình này, thủ tục hành chính của phường được giải quyết nhanh chóng, tránh phiền hà, rườm rà, mất thời gian của dân.

Vũ Anh Tuấn

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN