Thứ Sáu, 29/11/2024
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân
 
Thủ tướng khuyến khích nông dân sử dụng smartphone tra cứu thông tin thị trường nông sản


Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hội nghị. Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương (tháng 4/2018).

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các Ban Đảng, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt trong đó có 300 nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân cả nước.

Theo Ban Tổ chức, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: Gửi trực tiếp qua Báo NTNN/điện tử Dân Việt, qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, qua các chuyên gia, nhà khoa học về nông dân, nông nghiệp, nông thôn…

Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Nhóm câu hỏi về đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và vốn; Nhóm câu hỏi về nông thôn mới và các vấn đề xã hội ở nông thôn…

Năm 2019 cũng được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đặc biệt là biến động về thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh gần 300 nông dân tham dự hội nghị đối thoại với Thủ tướng. "Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trước hội nghị, để cuộc đối thoại này sâu sắc, cởi mở và thiết thực, bà con cần tập trung vào vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến sản xuất của mình. Lưu ý vấn đề quan trọng là sản xuất sản phẩm giá đã cao, cạnh tranh không được trong khi hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có sản phẩm tốt, giá thành hạ. Do đó, nhà nước phải làm gì, nông dân phải làm gì là lý do của buổi đối thoại hôm nay"- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng khẳng định: Hôm nay, tất cả các cơ quan liên quan trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân đều có mặt ở đối thoại này. Buổi đối thoại này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nếu các bộ: nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; công thương… không phối hợp để giảm các chi phí sản xuất, chi phí logistics, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì làm sao để vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, người nông dân phải đổi mới thì mới có thành công. Người nông dân đã đổi mới, hợp tác xã đã liên kết lại cùng kinh doanh. Nông dân phải tự tái cơ cấu trên từng hộ gia đình; không thể làm 3 vụ lúa/năm vì gây ra ô nhiễm môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tác động này sẽ nặng nề. Do vậy, người nông dân phải tự tái cơ cấu sản xuất của mình, chủ động trong sản xuất, bởi đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, tình hình thị trường thế giới đang thay đổi nhanh chóng. 

Tại hội nghị này, có 53 câu hỏi của nông dân đặt vấn đề trực tiếp với Thủ tướng. Các câu hỏi liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, vấn đề ô nhiễm môi trường, vốn, tích tụ ruộng đất, đầu tư hạ tầng giao thông, logistics, sản xuất theo chuỗi; cơ hội tiếp cận thông tin thị trường, quy hoạch vùng; các chính sách hỗ trợ cho nông dân về khoa học công nghệ, cung cấp thông tin thị trường. Nhiều câu hỏi của nông dân cũng xoáy trọng tâm vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, có những chính sách hỗ trợ sát thực tiễn cho nông dân nhưng cấp thừa hành lại triển khai rất chậm. Tình trạng sạt lở, sụt lún, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp để giải quyết.

Thủ tướng đã trả lời trực tiếp một số câu hỏi và yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành trả lời những vấn đề mà nông dân đặt ra. Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải đều khẳng định tới đây sẽ tăng đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là hạ tầng giao thông: cảng quốc tế, đường bộ, cao tốc, vốn đầu tư và quy hoạch tích hợp cho vùng sẽ được trình lên Chính phủ xem xét vào quý 4-2020. Trong giai đoạn tới, sẽ có khoảng 2 tỉ USD đầu tư cho vùng; Trong đó, ngân sách sẽ dành riêng 1 tỉ USD cho vùng trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư vào các hạ tầng quan trọng. Lãnh đạo Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác phối hợp, đẩy lùi tín dụng đen và tạo điều kiện cho nông dân vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Hội Nông dân cam kết sẽ đồng hành cùng nông dân.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mục tiêu của hội nghị này là tháo gỡ khó khăn cho liên kết 6 nhà. “Trước hết tôi thay mặt Chính phủ đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân nước ta. Đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công”- Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu, giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện. Thủ tướng băn khoăn: Tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra. Mục tiêu của hội nghị đối thoại này là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, liên kết 6 nhà, tạo chuỗi giá trị nông sản. Chúng ta đã trả lời được một cách cơ bản những vướng mắc nhưng liên kết 6 nhà còn nhiều bất cập, trở ngại.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành cần có dự báo, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường, yếu tố đầu vào như vốn, vật tư nông nghiệp. Có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp. Các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm an toàn thực phẩm. Và sẽ có những chủ trương mạnh mẽ, như liên kết vùng, khu vực. 

“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của Bác "Nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh". Và tại đây chúng ta kêu gọi đất nước ta cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ để phát triển nông nghiệp. Nông dân Việt nam cần nâng cao học vấn, và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình, một tinh thần tự lực, tự cường”- Thủ tướng nói.

(baocantho.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất