Theo thống kê của MTTQ tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh đã có 9 địa phương thành lập và tổ chức ra mắt được Tổ nhân dân tự quản. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình này đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, an ninh trật tự được tăng cường; tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó hơn.
|
Một buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản 18 (ấp Mỹ Phú Đất Liền, Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) |
Dựa vào hướng dẫn của MTTQ tỉnh, huyện, Ban thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với UBND, các ngành có liên quan cùng cấp và Ban Công tác Mặt trận ấp, khóm rà soát, khảo sát và lập danh sách các hộ dân trên địa bàn khu dân cư, chuẩn bị công tác nhân sự và các điều kiện thành lập Tổ nhân dân tự quản (TNDTQ).
Quy mô của TNDTQ từ trên dưới 30 hộ cùng sống liền kề trên địa bàn khu dân cư, tùy điều kiện từng nơi có quy mô hợp lý, nhằm bảo đảm vừa đủ nhỏ để bàn bạc, dễ thống nhất, nhưng cũng vừa đủ lớn để tạo ra được sức mạnh của tập thể.
Tổ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động gia đình Tổ viên xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo mối quan hệ gắn bó tình làng nghĩa xóm; thực hiện công tác dân phòng, khuyến học, tự chủ, tự quản về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… Tổ thường đưa các vấn đề ra bàn bạc dân chủ, trực tiếp thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện, tự nguyện đóng góp, tự chịu trách nhiệm.
Điển hình là TNDTQ số 5 ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung với mô hình “Xây dựng cổng rào theo tiêu chí sáng-xanh-sạch-đẹp”. Tổ có 27 hộ, 100% đều đạt hộ gia đình văn hóa nhiều năm liền. Các hộ đều có hàng rào kiên cố và trồng nhiều loại hoa cảnh đẹp trên đoạn đường dài hơn 300 mét…
Theo ông Võ Hoàng Cương – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, việc chia nhỏ địa bàn, cơ cấu một số hộ dân sống liền kề nhau, để mọi người hiểu biết về hoàn cảnh của nhau, dễ bàn bạc, cảm thông, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chuyển tải thông tin thuận tiện hơn, hiệu quả hơn. Người dân phấn khởi với mô hình này, do quyền làm chủ rộng hơn, trách nhiệm tăng cao, và nội dung hoạt động thiết thực hơn với đời sống của mình.
Trong khi đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động, tích cực xây dựng các chương trình giám sát tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy dân chủ, giám sát việc thực hiện các nội dung của quy chế dân chủ cơ sở. Nhờ vậy, công tác triển khai, nhân rộng đã cơ bản bám sát vào hướng dẫn của tỉnh, phát huy tốt vai trò chủ động, tích cực và đạt yêu cầu về tiến độ đề ra; công tác triển khai nhân rộng mô hình TNDTQ ra toàn tỉnh đã được sự quan tâm, theo dõi lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND, các cơ quan có liên quan, hệ thống MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tầng lớp nhân dân.
“Qua thực hiện nhân rộng mô hình TNDTQ trên địa bàn tỉnh cho thấy chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng TNDTQ là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với cộng đồng dân cư”, ông Cương cho biết.
Đánh giá về mô hình TNDTQ, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, TNDTQ ra đời là để vận hành thay đổi xã hội, hướng nhân dân đến tự quản cộng đồng dân cư, tự giúp đỡ nhau, tự vươn lên trong cuộc sống; xây dựng tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt. Do đó, các địa phương phải tập trung nghiên cứu, thành lập, nhân rộng ở địa phương mình, để người dân dần dần nhận thức, tự đoàn kết, vươn lên trong cuộc sống.
“Những người làm công tác Mặt trận cần thay đổi tư duy, nhận thức mới giúp thay đổi nhận thức của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và các chương trình trọng tâm của tỉnh với phương châm “Tự lực - Hợp tác - Chăm chỉ; Chia sẻ - Phục vụ - Sáng tạo”- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị./.
Nguồn: daidoanket.vn, ngày 24/4/2018