Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn bộ hệ thống chính trị về tổ chức, bộ máy, biên chế, quyết tâm đổi mới, khắc phục những bất cập, hạn chế. Trong đó có đổi mới mô hình tổ chức bộ máy MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo mô hình Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã tạo được sự đồng bộ, liên thông từ tỉnh xuống cơ sở; bước đầu khẳng định phù hợp với thực tiễn, đem lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Tiên phong, sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung và đổi mới, sắp xếp bộ máy của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là chủ trương được Trung ương Đảng đặt ra trong nhiều năm về trước. Tuy nhiên trên thực tế tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan thuộc khối MTTQ và các đoàn thể hầu như "nằm ngoài" tiến trình cải cách.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm, gặp gỡ cán bộ, công chức cơ quan Khối cấp tỉnh tại Trụ sở Liên cơ quan 4 |
Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất và được Ban Bí thư Trung ương đồng ý cho thí điểm thực hiện việc sử dụng cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện. Sau khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Quyết định số 44-QĐ/TU ngày 30/11/2015 “Phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện”.
Ngay sau khi ban hành quyết định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tổ chức hội nghị nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm chính trị của cả cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tỉnh ủy có hướng dẫn cụ thể, sát sao để xây dựng mô hình cơ quan khối với các tiểu ban giúp việc chung, phân công trách nhiệm, xây dựng quy chế vận hành, chế độ chi tiêu tài chính chung. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác trực tiếp làm việc với từng địa phương để nắm tình hình, tổng hợp khó khăn, phân tích kỹ các yếu tố tác động, tìm cách tháo gỡ. Ban Dân vận Tỉnh ủy được giao chủ trì việc theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình thực hiện, hướng dẫn MTTQ thực hiện vai trò phối hợp và thống nhất hành động (theo Điều 9 Hiến pháp)…
Với sự vào cuộc sát sao, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động của cơ quan Khối các địa phương đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tránh chồng chéo trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, giúp đội ngũ gắn kết với nhau vì lợi ích chung của xã hội, của nhân dân, bớt đi vào các việc mang tính phong trào không có hiệu quả thiết thực.
Không dừng lại đó, từ thành công của mô hình Cơ quan Khối cấp huyện, trên cơ sở bám sát chính trị, lý luận, thực tiễn với những bước đi thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt là nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương và MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án thí điểm mô hình Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 959-QĐ/TU ngày 14/3/2018; đồng thời ban hành Quyết định số 963-QĐ/TU ngày 16/3/2018 về thành lập Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; xây dựng Quy định về tổ chức, bộ máy, quản lý. Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan Khối tỉnh Quảng Ninh là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. 5 Phó Thủ trưởng là trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Liên đoàn Lao động…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đỗ Thị Hoàng, việc thành lập Cơ quan Khối cấp tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị cao của Quảng Ninh bám sát theo sự chỉ đạo của Trung ương, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những thành quả bước đầu
Theo đánh giá chung sau gần 3 năm triển khai mô hình Cơ quan Khối cấp huyện và bước đầu triển khai mô hình Cơ quan Khối cấp tỉnh đã tạo được sự đồng bộ, liên thông từ tỉnh xuống cơ sở, khẳng định đây là mô hình phù hợp với thực tiễn, đem lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Qua đó tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ và các tổ chức chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị, thống nhất ý chí và nguyện vọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung vì lợi ích của nhân dân, khắc phục được tình trạng chồng chéo, giảm văn bản hành chính, giảm các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát, tiết kiệm thời gian, cơ sở vật chất, tập trung hướng về cơ sở. Qua khảo sát, tỷ lệ phiếu đánh giá khá, tốt chiếm 80,8%...
Đặc biệt, cũng thông qua thực hiện mô hình này, đã xây dựng và sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, đủ mạnh, tập trung chức năng, chia sẻ nhiệm vụ, khắc phục sự chồng chéo, tinh giản được biên chế cả cấp tỉnh và huyện (462/531 giảm 69 người = 12,9%), tạo môi trường cạnh tranh để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ cấu lại đội ngũ, gắn với phát huy năng lực cá nhân. Cụ thể như, cấp huyện, sau 3 năm triển khai mô hình đã thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế được 64 người (trước khi xây dựng Đề án có 370 người nay đang sử dụng 306 người). Cấp tỉnh, sau khi sắp xếp theo Đề án đã giảm từ 33 ban chuyên môn, văn phòng của 6 tổ chức xuống còn 6 ban chuyên môn và văn phòng (giảm 27 ban chuyên môn); giảm được 69/69 vị trí chức danh lãnh đạo trưởng, phó các ban chuyên môn của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; giảm từ 161 người xuống còn 156 người. Cùng với đó, chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cũng được nâng lên. Hiện nay, trình độ đại học và trên đại học ở Khối này chiếm 98,1%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 65,2%; xếp ngạch công chức từ chuyên viên trở lên chiếm 59%.
Cùng với những kết quả trên, một trong những hiệu quả quan trọng mô hình mang lại đó là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành về vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên. Các nội dung, kiến nghị, đề xuất của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo kịp thời, quyết liệt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.
Theo Hoài Anh/Báo Quảng Ninh điện tử