Ngày 15/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức tọa đàm "Vai trò của MTTQ Việt Nam trong vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới - Thực trạng và giải pháp". Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ năm 2008 cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, liên tục và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Các tỉnh, thành phố đều đưa vào Chương trình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những mục tiêu cơ bản, nội dung trọng tâm của cả nhiệm kỳ. MTTQ Việt Nam đã lồng ghép 19 nội dung, tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thông qua các nội dung của Cuộc vận động về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, hiện nay cả nước có 3.420 xã (38,32%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 32 liên hiệp HTX nông nghiệp và 12.388 HTX nông nghiệp; 4.823 sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch cấp xã, huyện; 818 chuỗi nông sản an toàn. Có trên 500 loại mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn; 61.158 Tổ an ninh nhân dân, 36.361 Tổ hòa giải, 92.623 Tổ tự quản. Từ đây xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, nhiều khu dân cư kiểu mẫu, xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu trở thành NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng một số hạn chế đã nêu trong Nghị quyết 26 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết căn cơ, toàn diện như: Hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế. Chất lượng giám sát phản biện xã hội còn khiêm tốn... Thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm, đó là tính bền vững, thực chất, mức độ được hưởng thụ và sự hài lòng thực sự của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới.
Nhiều đại biểu dự tọa đàm tham gia thảo luận đánh giá kết quả đạt được, nêu những cách làm hay, kinh nghiệm tốt; đề xuất nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới. Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng NTM, qua đó giúp cho MTTQ Việt Nam các cấp có thêm giải pháp đổi mới, đột phá trong tuyên truyền, vận động, giám sát xây dựng NTM. Các ý kiến cũng cho rằng, trong xây dựng NTM, công tác tuyên truyền rất quan trọng, phải làm cho người dân hiểu thấu vai trò, giá trị của xây dựng NTM chính là để cho người dân có cuộc sống chất lượng hơn. Xây dựng NTM chính là để phát triển nông thôn bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cửa người dân nông thôn cả về chật chất và tinh thần. Muốn thế, cán bộ mặt trận, đoàn thể phải được bồi dưỡng, tập huấn để tăng hiệu quả tuyên truyền. Cùng với đó, cần tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, 10 năm qua, MTTQ Việt Nan đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7, khóa X trên 3 phương diện: Tuyên truyền, vận động người dân; huy động các nguồn lực; giám sát, phản biện chính sách. MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động được triển khai thông qua các phong trào, các cuộc vận động được phát động và chủ trì thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM của đất nước trong thời gian qua. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tuyền truyền, vận động, giám sát và phản biện chính sách, MTTQ các cấp còn vận động được nguồn lực lớn cho công tác giảm nghèo, xây dựng NTM.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần quán triệt rõ, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng cũng cần hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Phải đề cao vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn, nông nghiệp; chú ý lắng nghe dân, phục vụ lợi ích hợp pháp của nhân dân; khắc phục, loại bỏ những hành vi hành dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng yêu cầu Tổ Biên tập Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần nghiên cứu kỹ, tổng hợp và chắt lọc các ý kiến tại Tọa đàm để phục vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị. Đồng chí cũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để tìm bước đi mới tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp cùng với cơ quan chức năng để triển khai và nhân rộng kết quả nghiên cứu những ứng dụng khoa học có hiệu quả trong xây dựng NTM./.
Kiên Trung