Thứ Hai, 20/1/2025
Những kết quả đạt được qua 9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.


 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội,  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa. Luật này đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB - giữa khu vực nhà nước và tư nhân, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế và cơ sở KCB phát triển rộng khắp, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ KCB có chất lượng tốt.

Đến nay, toàn quốc đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh. Điều này đã giúp tỷ lệ chuyển tuyến giảm khoảng 65-100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.

Thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay, 100% số xã có trạm y tế (TYT), khoảng 87,5% TYT xã có bác sĩ làm việc; 97% TYT xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 74,3% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%; gần 80% TYT xã thực hiện KCB bảo hiểm y tế.

Tại các đô thị đã thí điểm mô hình y học gia đình, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong các nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh.

Về y tế chuyên sâu, đã hình thành được các trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế - Đà Nẵng; xây dựng một số bệnh viện đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ vùng. Ngành y tế cũng đã và đang đầu tư năm bệnh viện Trung ương tuyến cuối tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực để phát triển các chuyên khoa, kỹ thuật cao. Một số kỹ thuật chuyên ngành đạt tốp đầu khu vực, nhiều nước đã đến học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân trên địa bàn.

Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và tổ chức hệ thống cơ sở KCB đã góp phần đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần người dân, bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Trong giai đoạn tới Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên sau chín năm triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện nay vẫn còn có nhiều điểm bất cập cần phải chỉnh sửa. Đó là  một số nội dung cụ thể trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh về các khái niệm trong Luật; về các hành vi bị nghiêm cấm; về quyền và nghĩa vụ của người bệnh; về cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; về giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; và về an ninh bệnh viện…

Bích Vân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất