Thứ Năm, 25/4/2024
Người thầy thuốc hơn 30 năm tâm huyết với nghề

 Y sĩ Đinh Văn Thưởng thăm khám cho bệnh nhân lao

Nhắc đến bệnh lao, nhiều người nghĩ ngay đến căn bệnh truyền nhiễm với nguy cơ lây bệnh cao, có thể dẫn đến tử vong và cả không ít sự kỳ thị, những rào cản về tâm lý. Thế nhưng, 30 năm qua, đối với nhiều người,  y sĩ Thưởng không chỉ là thầy thuốc mà còn là một người thân, người bạn…

Y sĩ Đinh Văn Thưởng sinh năm 1960 tại thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Năm 1978, khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra là lúc ông nhận công tác tại Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu I. Trong quá trình công tác, được cấp trên và đồng đội tin tưởng, yêu mến, ông cùng một người bạn cùng đơn vị được phân nhiệm vụ học y tá sơ cấp ở Sư đoàn. Tiếp đó, ông tiếp tục học lên trung cấp tại Trường Quân y Quân khu I. Là y tá chính phục vụ cứu thương trong quân đội, ông đã đối mặt với nhiều chiến sĩ với những vết thương khác nhau. Ông kể rằng, ngày đó, chiến tranh khốc liệt tới mức nhiều khi tưởng mình không thể sống sót trở về. Chính ông cũng là người chứng kiến những người đồng đội ngã xuống mà không thể cứu chữa, thương đồng đội, ông càng thêm quyết tâm theo đuổi nghề thầy thuốc cứu giúp mọi người.
 
Sau hơn 7 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1984 ông được phân công công tác về Bệnh viện đa khoa Vân Đình. Như một cái duyên, tháng 8 năm 1988, y sĩ Thưởng được bổ nhiệm chính thức làm chương trình lao của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh lao cho tới thời điểm hiện tại. Những năm đầu thành lập Tổ chống lao, không mấy ai theo được vì không có nhiều chi phí cho những người làm trong lĩnh vực này, thế nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề đã níu ông ở lại với chương trình. Khi đó cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn, cả nhân lực làm công tác điều trị lao cũng mỏng, cả Tổ chống lao của huyện chỉ có mình y sĩ Đinh Văn thưởng cùng với 1 đồng chí xét nghiệm viên, mọi việc đều do y sĩ Thưởng đảm nhiệm; thêm vào đó nhận thức của người bệnh cũng như nhân dân về bệnh lao còn hạn chế. Do vậy việc điều trị, thăm khám cho các bệnh nhân gặp không ít khó khăn.
 
Là căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, thậm chí cả những người thân của người nhiễm lao còn kì thị đối với bệnh nhân, nên việc hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân lao, có những ca bệnh nặng, kháng thuốc phải điều trị kéo dài, nếu không chú ý thì nguy cơ lây bệnh là khó tránh khỏi. Thêm vào đó nếu không có lòng yêu nghề, cảm thông, chia sẻ với các bệnh nhân cùng tâm lý vững vàng trước những ý kiến trái chiều của đồng nghiệp, người thân thì ít người có thể duy trì và gắn bó với công tác phòng chống lao. Thế nhưng vượt qua hết thảy, bằng lòng yêu nghề, cái tâm với người bệnh, y sĩ Đinh Văn Thưởng đã quyết đem hết tâm sức mang lại sức khỏe, sự sống cho nhiều bệnh nhân lao.
 
Trong 30 năm gắn bó với công tác chữa lao, y sĩ Đinh Văn Thưởng không nhớ rõ mình đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân; chỉ nhớ ngoài những trường hợp bệnh đơn giản, có rất nhiều bệnh nhân bệnh nặng nhưng lại giấu bệnh và không muốn điều trị. Những trường hợp ấy đều được y sĩ Thưởng giải thích, thuyết phục và giúp họ điều trị khỏi.
 
Y sĩ Thưởng chia sẻ, đối với những thể lao nhẹ và bệnh nhân hợp tác với bác sĩ để điều trị bệnh thì rất đơn giản; chỉ cần chẩn đoán bệnh, kê đơn và hướng dẫn bệnh nhân điều trị và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là đã biết kết quả 100% bệnh nhân khỏi bệnh. Song với những trường hợp bệnh nhân thể nặng, kháng thuốc, giấu bệnh, không hợp tác điều trị, hoặc đang điều trị lại bỏ dở quá trình thì rất khó khăn. Bởi bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, nếu người mắc không điều trị thì nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng và cho những người thân là rất cao. Do vậy gặp những trường hợp trên, y sĩ Đinh Văn Thưởng đều tìm hiểu kỹ nguyên nhân để chia sẻ, giúp đỡ họ. Với những bệnh nhân giấu bệnh ông đều nhẹ nhàng giải thích cho bệnh nhân hiểu mà phối hợp để điều trị.
 
Ông kể có bệnh nhân đi khám phát hiện bệnh, cho thuốc về song không uống, ông phải tìm xuống tận nhà để giải thích khuyên răn và thuyết phục để bệnh nhân uống thuốc, có những bệnh nhân tìm gặp một lần không được ông kiên trì tiếp tục tìm đến những lần sau và sau đã thuyết phục được bệnh nhân; lại nhớ có những trường hợp bệnh nhân nhà nghèo bệnh nặng, ho ra máu, trong thời gian điều trị kéo dài không có cả cơm ăn, ông rất thương bệnh nhân, ông nhường suất cơm của mình cho bệnh nhân, sau cùng ông mạnh dạn xin đề xuất với giám đốc hỗ trợ nuôi cơm cho bệnh nhân. Hoặc có trường hợp cả gia đình 5 người đều mắc lao, do lây nhiễm qua nhau, song ông đã kiên trì, áp dụng phác đồ và lịch điều trị khoa học để điều trị khỏi cho các bệnh nhân trong gia đình.

Có trường hợp bệnh nhân đa kháng, siêu kháng các loại kháng sinh; hoặc có những trường hợp bệnh nhân nhiễm lao đồng thời nhiễm HIV/AIDS thì việc thăm khám, điều trị cả về mặt tâm lý cho bệnh nhân khó khăn hơn nhiều. Công việc đặc thù, khó khăn là vậy nhưng y sĩ Thưởng luôn nhận thức sâu sắc rằng làm thầy thuốc chuyên ngành chống lao không chỉ đòi hỏi về trình độ chuyên môn mà còn cần có trách nhiệm với bệnh nhân, cộng đồng và tình yêu thương và đồng cảm với bệnh nhân, bởi theo kinh nghiệm lâu năm gắn bó của ông cho biết đa số những người mắc lao đều là những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Do vậy ông luôn cố gắng giúp đỡ để người bệnh không phải tốn nhiều chi phí đi lại, và điều trị bệnh nhanh dứt điểm.
 
Ý thức được vai trò của người thầy thuốc, ông luôn nêu cao y đức, hết lòng vì người bệnh, tận tâm với công việc; cùng với sự yêu nghề, và hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân, y sĩ Đinh Văn Thưởng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành như: nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cơ sở; danh hiệu người tốt việc tốt ngành y tế; được Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân; 2 năm liền 2016, 2017 ông được nhận giấy khen của Ban Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia... Nhưng với ông niềm vui lớn nhất là đã giúp được nhiều bệnh nhân lao chữa khỏi bệnh, hạn chế nguồn lây ra cộng đồng; chung tay góp sức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đẩy lùi và tiến tới xóa hoàn toàn bệnh lao.

Văn Toàn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất