Thứ Sáu, 6/12/2024
Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở để bảo vệ quyền lợi người lao động

Đại biểu góp ý tại Hội thảo



Phát huy quyền làm chủ của người lao động

Theo đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng, Nhà nước rất coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được quy định trong nhiều văn bản của pháp luật với phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Thực tế cho thấy nếu thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở sẽ phát huy quyền làm chủ của người lao động, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. “Khi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu khách quan của đời sống xã hội, đồng nghĩa với quyền lợi, tiếng nói của người lao động được coi trọng” - đồng chí Quang nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - cho biết, dự thảo gồm 7 chương, 79 điều quy định về nội dung, phương thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, có nhiều nội dung nhấn mạnh về thực hiện quyền dân chủ của người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị.

Nhiều băn khoăn về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Đồng chí Nguyễn Văn Nho - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh - góp ý, theo quy định tại dự thảo thì “Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động do BCH Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động; ở nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Liên đoàn lao động cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động”. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, hoạt động Công đoàn do Công đoàn khu công nghiệp chỉ đạo trực tiếp, do đó nên quy định “ở nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động” cho phù hợp với hoạt động của hệ thống Công đoàn. “Việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở trước đây là bắt buộc ở tổ chức có sử dụng lao động, nhưng theo quy định tại dự thảo chỉ là khuyến khích. Mà đã khuyến khích thì có thể làm hoặc không, gây ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người lao động” - đồng chí Nho nói.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Kiều - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động - Liên đoàn Lao động TP.Cần Thơ - đồng tình với ý kiến phải quy định việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở là bắt buộc chứ không phải là khuyến khích. Đồng chí Kiều cũng cho rằng việc yêu cầu liên đoàn lao động huyện chỉ đạo hoạt động Ban thanh tra nhân dân ở nơi chưa có công đoàn cơ sở như dự thảo là không khả thi trong thực tế.

Đồng chí Nguyễn Đức Thắng - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước -  thì cho rằng, cần có giải thích thế nào là Ban Thanh tra nhân dân vì dự thảo luật hiện chưa có quy định này. Đồng thời, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân giao cho tổ chức công đoàn thì chưa phù hợp với quy định tại Luật Công đoàn. Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thực sự hiệu quả, thì phải có cơ chế đặc biệt để bảo vệ người được bầu vào ban này, để họ yên tâm làm việc.

Đồng chí Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng - cho rằng, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm cung cấp thông tin của người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp, nếu không cung cấp thì phải có chế tài gì. Cùng với đó, cần có quy định về việc cấm trù dập người thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Đại cũng thẳng thắn cho rằng hiện nhiều Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hình thức, không hiệu quả. Do đó cần có quy định rõ ràng trong luật về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, nhất là ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhằm phát huy hiệu quả của ban này trong thực tế. “Nhiều nơi, công đoàn cơ sở hoạt động còn chưa hiệu quả lại được giao thêm trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thì làm sao ban này thực hiện tốt được nếu không có quy định rõ ràng về hoạt động của ban này. Thêm nữa, nếu doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và có thêm tổ chức đại diện người lao động khác thì cơ quan nào sẽ chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân?” - đồng chí Đại góp ý.

(laodong.vn) 

Gửi cho bạn bè