Sự việc hơn 100 ngôi mộ ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) bất ngờ bị di dời để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng khu sinh thái đã gây bức xúc dư luận. Sau khi sự việc bị phát giác, người dân tập trung yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền xã trả lời. Cuộc đối thoại giữa ba bên đã được tiến hành.Tuy nhiên, từ đó đặt ra những vấn đề cần được làm sáng tỏ.
Chủ đầu tư thì giải trình đã làm đủ thủ tục theo trình tự, đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ba số liền, có hóa đơn chứng minh. Chính quyền cũng giải thích, đã niêm yết công khai, thông báo trên đài truyền thanh của xã. Nhưng sáu tháng qua mà không hộ gia đình nào đến xã làm các thủ tục cần thiết. Người dân phản ánh, không phản đối dự án, tuy nhiên việc di dời thì không ai hay biết. Khi bị chất vấn, lãnh đạo xã trả lời vì không biết địa chỉ của gia đình người dân có mộ để thông báo.
Có thể thấy, một sự việc khá nghiêm trọng, liên quan đời sống văn hóa tâm linh của người dân, ở đây rõ ràng, người dân chưa được họp bàn cụ thể, chi tiết. Quy chế dân chủ ở cơ sở đã không được thực hiện nghiêm túc trong quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Việc vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở đã diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch trong việc giải phóng mặt bằng, thậm chí có hiện tượng “bớt xén” tiền đền bù của dân, dẫn tới tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, ảnh hưởng uy tín cán bộ, giảm sút niềm tin vào hệ thống chính trị ở cơ sở. Ngăn ngừa tình trạng này, nhất thiết việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 09/8/2016