|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW, Trưởng BCĐ Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Qua tiến hành kiểm tra thực tế và báo cáo tự kiểm tra của một số địa phương, báo cáo tham luận tại hội nghị, Ban Chỉ đạo T.Ư đã làm rõ những ưu điểm, nguyên nhân và hạn chế về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc, đó là: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan đơn vị và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đô thị văn minh, chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách an sinh xã hội… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có nhiều hạn chế. Việc thực hiện công khai một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của người dân ở một số nơi chưa đầy đủ, còn chiếu lệ, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách; công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông… gặp nhiều khó khăn ở một số địa phương…
Để khắc phục những hạn chế, Ban Chỉ đạo T.Ư về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các tỉnh; sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các tỉnh đã nỗ lực tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp phát huy vai trò làm chủ của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thong chính trị, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới quốc gia. Việc thực hiện QCDC ở cả 3 loại hình đã đi vào nền nếp và chuyển biến tích cực hơn; công tác phối hợp nhất là trong hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường. Đồng chí cũng chỉ ra một số mặt hạn chế trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở như báo cáo chung đã đánh giá.
Nêu lên những khó khăn, thách thức của các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc như: hạ tầng giao thông hạn chế, nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao…, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sơ, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các tỉnh trong cụm miền núi biên giới phía Bắc cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đến người dân sát thực tiễn cuộc sống; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực hiện một cách đầy đủ, sâu sắc hơn các quy chế, quy định đã có về các loại hình thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng; giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ để thật sự phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, để người dân hiểu đầy đủ, có sự đồng thuận với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở vùng miền núi, biên giới.
|