Thứ Bảy, 20/4/2024
Yên Bái: Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Yên Bái là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 6.886km2, dân số trên 80 vạn người, với trên 30 dân tộc (dân tộc thiểu số chiếm 53,7%); có 9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh gồm: 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố trong đó có 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong 64 huyện nghèo của cả nước; 180 đơn vị hành chính cấp xã (157 xã, trong đó có 81 xã đặc biệt khó khăn; 13 phường; 10 thị trấn) với 2.277 thôn, bản, tổ dân phố; 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ.

Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số, trình độ dân trí nói chung còn hạn chế, nhận thức không đồng đều; điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, mức sống của một bộ phận dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Giao thông khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh. Ý thức rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007) và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo có liên quan của Đảng, Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sản xuất và đời sống, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện,…

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Riêng năm 2018, Tỉnh ủy ban hành 5 văn bản; Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành 10 văn bản; Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh ban hành trên 40 văn bản; Ban Chỉ đạo cấp huyện ban hành trên 110 văn bản. Tinh thần chỉ đạo chung là cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phạm vi được phân công phụ trách, phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; chú trọng hơn đối với các địa bàn, các cơ sở thực hiện chưa tốt.

Tỉnh ủy Yên Bái chỉ đạo tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07-01-2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; khắc phục những hạn chế sau kiểm tra theo Thông báo số 19-TB/BCĐ, ngày 11-10-2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai các biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ ra.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp được kiện toàn và hoạt động tích cực. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 46-KH/BCĐTU, ngày 12-3-2018 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018; Kế hoạch số 107-KH/BCĐTU, ngày 02-4-2018 về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018. Ban Chỉ đạo các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tỉnh, các địa phương, đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy triển khai kịp thời và thực hiện có hiệu quả các văn bản mới của Trung ương và của tỉnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chủ động tham mưu cho cấp ủy kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung quy chế và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đến nay 100% các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tỉnh, các địa phương đã thành lập và kiện toàn các chức danh ban chỉ đạo, đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả.

Đảng đoàn HĐND tỉnh quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo thường trực HĐND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND; quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh; giải quyết dứt điểm các kiến nghị sau giám sát; ý kiến, kiến nghị chính đáng của cư tri và nhân dân trong tiếp xúc cử tri và giải quyết đơn thư của công dân. Xây dựng kế hoạch giám sát 09 chuyên đề; tiếp 93 lượt với 122 công dân; các tổ đại biểu HĐND đã tổ chức 13 Hội nghị với trên 1.400 cử tri tham dự, có 170 lượt ý kiến, kiến nghị (trong đó có 36 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền).

Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Năm dân vận chính quyền 2018 và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện những hạn chế, yếu kém của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh trong triển khai tổ chức thực hiện.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Yên Bái luôn đề cao vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là đối với khối chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phân công đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu cấp ủy nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong thực hiện, luôn sâu sát cơ sở, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1973-QĐ/TU về quy định trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng; cấp ủy, chính quyền cấp huyện cũng đều ban hành các quy định về tiếp thu góp ý. Chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, trong đó đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh luôn nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân vào ngày 15 hằng tháng; lắng nghe, trao đổi cởi mở, thẳng thắn để tháo gỡ những khó khăn, giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp ngay từ cơ sở, qua đó, cụ thể hóa, thể chế hóa và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp giúp cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đi vào nề nếp, thiết thực phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt trong những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức đời sống ở địa phương. Có thể khái quát kết quả thực hiện quy chế dân chủ trên một số khía cạnh sau:

Trước hết, về công tác tuyên truyền. Năm 2018 cấp ủy, chính quyền cấp xã toàn tỉnh đã làm tốt việc triển khai học tập, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tới các tầng lớp nhân dân; trọng tâm là tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận 120-KL/TW; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/TU, ngày 22-01-2018 của Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những nội dung cơ bản của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được công khai và thực hiện rộng khắp trên địa bàn dân cư, tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn, được tham gia kiểm tra, giám sát. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trước khi quyết định hoặc triển khai thực hiện đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng; huy động được kinh nghiệm, trí tuệ, nguồn lực và sức dân, nhất là, trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, các công trình dự án lớn liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Việc thông báo công khai Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn về kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng cơ bản… được thực hiện nề nếp; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong việc bình xét các đối tượng được hưởng các chính sách xã hội... Sự công khai, minh bạch đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn hoạt động khá hiệu quả. Đến nay, 180/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; hằng năm các thành viên được tập huấn nghiệp vụ, hằng tháng tổ chức giao ban nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Năm 2018, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong toàn tỉnh đã tiến hành giám sát 3.058 cuộc, phát hiện kiến nghị thu hồi 25.550.000đ.

Cấp ủy và chính quyền cấp xã luôn quan tâm tới việc đối thoại trực tiếp với nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân, qua các buổi tiếp công dân của chính quyền cấp xã; đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở khu dân cư. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp hướng dẫn, củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 2.266 tổ hòa giải với 13.064 thành viên; các tổ hòa giải 1.181 vụ việc, trong đó, hòa giải thành công 1.021 vụ việc, đạt tỷ lệ 84%. Thông qua các hoạt động hòa giải, đã kịp thời xử lý các vướng mắc, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.

Triển khai các nội dung của Năm dân vận chính quyền 2018, chính quyền các xã, phường, thị trấn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giao dịch hành chính, góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức cấp xã. Làm tốt công tác công khai các danh mục, trình tự, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, quy trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ cho phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành; trình độ, năng lực cũng như lề lối làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức đã được nâng lên; kết quả giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, giảm phiền hà cho nhân dân. Công tác tiếp dân đã được quan tâm, các xã, phường, thị trấn đều có lịch tiếp dân, phân công lãnh đạo HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp dân vào các ngày trong tuần. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng xử lý từ các thôn, bản, tổ dân phố thông qua vận động, thuyết phục, hòa giải. Hệ thống chính trị cơ sở tăng cường đối thoại với nhân dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, các phương án đền bù, tái định cư; chủ động phát hiện những vấn đề phức tạp nảy sinh để có biện pháp xử lý, tránh gây phiền hà cho nhân dân.

Các xã, phường thị trấn trong tỉnh đã làm tốt việc gắn kết công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết 30-11-2018 toàn tỉnh đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc thực hiện thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Quyết định số 40/QĐ-UBND, ngày 12-01-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc kiện toàn, sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đã mang lại kết quả cao, tại các địa phương, người dân đều được bàn bạc, thảo luận dân chủ và biểu quyết trên cơ sở định hướng của cấp ủy, chính quyền cấp xã, phù hợp với chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phù hợp tình hình thực tiễn, văn hóa, đặc điểm địa hình địa phương. Đến nay 100% các thôn, bản, tổ dân phố đã đồng thuận với chính quyền trong việc sáp nhập, sắp xếp, đổi tên theo đề án sáp nhập.

Tác động tích cực đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhân dân, tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền cơ sở; từ đó thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, động viên người dân hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, cơ sở.

Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, phát động. Các cuộc vận động được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh và đã đạt được kết quả quan trọng, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Năm 2018 được chọn là Năm dân vận chính quyền với phương châm hành động là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo hiệu quả” đã tiếp thêm động lực cho việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết dứt điểm những bức xúc của người dân từ cơ sở, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính… Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Cụ thể, trong năm 2018, Yên Bái đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị, hiệu quả gắn với tìm kiếm đầu ra cho nông sản, nhất là các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Một số chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch: tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt trên 307,5 nghìn tấn, vượt 2,5% so với kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 49.749 tấn, bằng 110,6% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trồng mới được 15.000 ha rừng, bằng 100% kế hoạch. Đề án phát triển cây ăn quả có múi trồng được 649,9 ha. Đề án phát triển cây Sơn tra trồng được 685,8 ha, đạt 171% kế hoạch. Số xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 13 xã đạt 108,3% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.040 tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, trong năm đã khánh thành 02 cầu vượt sông Hồng, đưa tổng số cầu vượt sông Hồng trên địa bàn tỉnh đến nay là 06 cầu, góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông miền núi phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 2.909 tỷ đồng tăng 44% kế hoạch của Bộ Tài chính và vượt 16% so với năm 2017.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019 và thời gian tiếp theo, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng và hiệu quả công khai minh bạch tại cơ sở; thực hiện các quy chế, hương ước theo Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tạo nề nếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đề cao vai trò của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong thực hiện công khai, minh bạch tại cơ sở, thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước theo Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, đẩy mạnh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong các vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân./.

Hoàng Xuân Nguyên / tapchicongsan.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất