Thứ Năm, 26/12/2024
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Quang cảnh Hội nghị 


Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo.

Cùng dự Hội nghị còn có Phó Trưởng Ban thường trực và các Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị Ban Dân vận Trung ương.

Thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với “Năm dân vận chính quyền 2018”

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở, năm 2018, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương mới ban hành, thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018. Các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung đánh giá 3 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp; quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, quy định của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về giám sát cán bộ, đảng viên, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ đạo quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn. Hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và nhiều địa phương có nhiều đổi mới. Qua đó, góp phần giúp việc tổ chức thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở dần đi vào nề nếp. Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện QCDC ở từng loại hình cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.

Hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch (nhất là thông qua các hoạt động chất vấn), được nhân dân và cử tri đánh giá cao; công tác xây dựng pháp luật có nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, sát thực tiễn; hoạt động tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân được chú trọng, nâng cao hiệu quả.

Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân vì dân phục vụ, công khai minh bạch. Thực hiện tốt phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và “Năm dân vận chính quyền” 2018, hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, đa dạng, thiết thực, gần dân, hướng về cơ sở, mở rộng dân chủ, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong dân. Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy; bầu không khí dân chủ trong xã họi, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng; góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sớm trình Luật Dân chủ cơ sở ra Quốc hội

Phát biểu tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở đều ghi nhận những kết quả tích cực trong việc thực hiện QCDC năm 2018. Nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, qua đó đóng góp tích cực vào thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Đồng thời đã xuất hiện nhiều mô hình thực hiện QCDC hiệu quả, sinh động của các địa phương, đơn vị.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian tới cần thực sự lắng nghe ý kiến, giải quyết nguyện vọng chính đáng, bức xúc của người dân, chỉ ra những điểm bức xúc, khiếu kiện bị lợi dụng; phát huy vai trò của thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng. “Mặt trận sẽ tăng cường giám sát, tích cực chủ trì, tham gia góp ý kiến vào các luật liên quan trực tiếp đến người dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, QCDC ở cơ sở được thực hiện bài bản, mạnh mẽ, công khai, minh bạch và thực chất hơn. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở được lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động, những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị; hoạt động đối thoại của cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn. Để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở thời gian tới, cần gắn việc thực hiện QCDC với việc thực hiện dân vận chính quyền; phát huy vai trò giám sát xã hội của các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời khẳng định việc tổng kết hoạt động năm 2018 của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Trung ương đã cho thấy sự đánh giá tương đối toàn diện về các yếu tố tác động tới việc cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; toàn bộ hệ thống chính trị đã quan tâm chăm lo đến người dân.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị 


Đồng chí cho rằng, trong năm 2019 bên cạnh những tác động tích cực tới tình hình phát triển của đất nước và cuộc sống người dân, còn nhiều vấn đề cần được quan tâm cải thiện. Đó là nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và một bộ phận người nghèo tại các đô thị có cuộc sống khó khăn, khoảng cách giàu, nghèo trong xã hội có xu hướng gia tăng.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, để phát huy QCDC ở cơ sở cần phát huy quyền làm chủ của người dân để người dân tham gia như chủ thể thực sự một cách tự giác, tự nguyện. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cần phải dành sự quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân.

Trên cơ sở đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị năm 2019 cần sớm trình Luật dân chủ cơ sở ra Quốc hội theo hướng nâng cấp từ Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; sửa đổi các văn bản có liên quan đến QCDC ở cơ sở; tăng cường việc thực hiện QCDC của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng. Để việc thực hiện QCDC gắn với Năm dân vận chính quyền 2019, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục cải thiện quan hệ với người dân, tạo điều kiện để người dân được lắng nghe, giải đáp các khúc mắc, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp, đông người. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, có cơ chế bảo đảm để người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình ban hành và thực thi các chính sách…

Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi