|
Quang cảnh hội nghị |
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC dự và chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở. Tới dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Trung Hải; Bí thư Thành ủy Hà Nội… Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng là đại diện lãnh đạo của Ban Dân vận Trung ương và các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; thường trực các tỉnh, thành ủy, đảng ủy và Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở…
Báo cáo tóm tắt kết quả 03 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW do đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở cho thấy: Sau khi Kết luận số 120-KL/TW được Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện gắn với việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hầu hết các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận số 120-KL/TW dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC, các cấp ủy đảng đã gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; các Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 (khóa XII); Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, ban hành nhiều quy định, quy chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa phương châm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ chế để Nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở Trung ương và đa số ban chỉ đạo các địa phương, bộ, ban, ngành đã đi vào hoạt động nền nếp; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Ban chỉ đạo các cấp đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở khá nền nếp.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất hoạt động; quan tâm công tác xây dựng pháp luật, tiếp tục cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; tăng cường giám sát tối cao, nhất là những vấn đề mà Nhân dân quan tâm.
|
Các đồng chí chủ trì hội nghị |
Hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp đã chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ, cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách chế độ công vụ, công chức, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, quan tâm nhiều hơn đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục dần tình trạng hành chính hóa; chủ động tham gia cùng với chính quyền xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân.
Nhờ đó nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ngày càng được nâng lên; việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở tiếp tục có những kết quả rõ nét, đi vào chiều sâu. Quyền làm chủ của Nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn và đạt hiệu quả rõ nét hơn.
Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy; bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng; góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm và đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị |
Hội nghị đã được trực tiếp nghe 9 tham luận, phát biểu và xem một số phóng sự về kết quả, bài học kinh nghiệm quý rút ra qua 03 năm tổ chức triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Kết luận số 120-KL/TW. Đó là tham luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về chỉ đạo của Chính phủ trong công tác dân vận chính quyền và thực hiện QCDC ở cơ sở; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc phát huy vai trò của Nhân dân thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về công tác thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giải pháp thời gian tới và việc chuẩn bị xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan về Thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với xây dựng các mô hình tự quản của Nhân dân ở cộng đồng dân cư; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường về vai trò của Công đoàn trong tham gia thực hiện Nghị định số 60 về thực hiện QCDC tại nơi làm việc; Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường về kinh nghiệm thực hiện QCDC trong giải phóng mặt bằng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Thúy Hiền về tăng cường và đổi mới công tác hòa giải, đối thoại giải quyết tranh chấp dân sự và tranh chấp hành chính.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Ban Dân vận Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã có sáng kiến và chuẩn bị chu đáo để tổ chức hội nghị thành công. Đồng tình với dự thảo báo cáo, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định các ý kiến tham luận tại hội nghị là rất tâm huyết, sâu sắc, sát thực tế và có ý nghĩa hết sức quan trọng; hội nghị cũng diễn ra vào thời điểm rất đúng, rất cần thiết để phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, tăng cường thực hiện dân chủ, nhất là ở cấp cơ sở, ở mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị từ cấp Trung ương đến địa phương.
Đề cập về những quan điểm chỉ đạo, những nội dung rất cụ thể cần chú trọng để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phạm vi được phân công phụ trách, chú trọng các địa bàn, các cơ sở thực hiện chưa tốt.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Những năm gần đây, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân ngày càng được nâng lên… Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của Nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở, đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được Nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả… Tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hiện QCDC ở cơ sở.
Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, các đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013; cũng như thống nhất cao với những phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đã được nêu trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa QCDC; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về 5 vấn đề cần quan tâm. Trong đó yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả…
Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để Nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài…
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị |
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân. Các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, giúp Nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật...
Tổng Bí thư nhấn mạnh một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện QCDC, đó chính là vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Từng đồng chí bí thư cấp uỷ, từ trung ương đến cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân... Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định tiếp tục nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tình hình mới, thực hiện tốt các vấn đề đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo trong bài phát biểu để thực hiện có hiệu quả và thực chất Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, phát huy những bài học kinh nghiệm kế thừa qua nhiều nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu sẽ tiếp tục nêu cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, sao cho Nhân dân tham gia vào các khâu của quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến lợi ích, đời sống của Nhân dân. Thông qua đó tạo sự đồng thuận, động viên Nhân dân tham gia vào quá trình phát triển của đất nước, cải thiện và nâng cao cuộc sống của bản thân và tạo quyền làm chủ của Nhân dân trong tổng thể cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật thuận lợi. Quan tâm đánh giá sự hài lòng của người dân đối với công việc của các cơ quan công quyền. Nâng cao chất lượng dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu, thông tin, giải trình đầy đủ hơn, giải quyết tốt hơn những vấn đề hợp pháp, chính đáng, những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của Nhân dân. Đảm bảo dân chủ đi đôi với kỷ cương, pháp luật, đề cao trách nhiệm công dân và đạo đức xã hội.
Phan Thanh