Ngày 30/7/2018, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng chủ trì hội nghị.
Tới dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Điểu K’Ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Trần Thị Bích Thủy, Hà Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương: Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên Môi trường; Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương; Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam…
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Báo cáo tóm tắt Kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43 do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương trình bày tại hội nghị cho thấy: Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã kịp thời cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Trong đó đã gắn với thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, an sinh xã hội, hậu phương Quân đội và với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ chính trị của từng ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hàng năm và cả nhiệm kỳ.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã được toàn xã hội quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả thiết thực. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam bảo đảm đúng quy định của pháp luật; nhiều chế độ, chính sách tiếp tục được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân được phối hợp triển khai chặt chẽ, kiên trì, bằng nhiều kênh khác nhau; bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Giúp người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân và các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn thảm họa chất độc hóa học da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam; đồng thời vận động nhiều nguồn lực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân; khiến cho Quốc hội, chính phủ Mỹ ngày càng có trách nhiệm cao hơn trong giải quyết hậu quả thảm họa chất độc hóa học da cam/dioxin đã gây ra trong chiến tranh.
|
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phát biểu tại hội nghị |
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục được quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn thực sự là tổ chức đại diện cho lợi ích và quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam, khẳng định vị thế và vai trò của Hội đối với xã hội. Đến nay, trên cả nước đã có 63/63 Hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 612/702 hội cấp quận, huyện, thị xã và 6.722/9.773 xã, phường, thị trấn (có đủ điều kiện thành lập hội) đã thành lập Hội...
Theo gợi ý thảo luận và yêu cầu của các đồng chí chủ trì hội nghị, các đại biểu đã lần lượt phát biểu ý kiến đóng góp để làm rõ hơn những kết quả đã đạt được; thực trạng, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, giải pháp khắc phục và đưa ra những kiến nghị, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư (khóa XI) của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. “Trước và kể từ khi có Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư (khóa XI), các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị và người dân đã toàn tâm, toàn ý, hết sức trách nhiệm và tình cảm chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và khắc phục môi trường bị nhiễm chất độc hóa học” – đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.
Ghi nhận hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, đa dạng; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật ngày càng phù hợp với yêu cầu, mong muốn và thực tiễn đất nước đặt ra, nhất là chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu: “Sắp tới cần tiếp tục sửa đổi chính sách hợp lý hơn, đặc biệt phải bổ sung chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thế hệ thứ 3”.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề tồn tại đặt ra trong thời gian tới phải khắc phục là: Mục tiêu để giải quyết kể cả về môi trường và chăm lo cho con người còn rất nặng nề, lâu dài; nên cần có mục tiêu, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn. Sự quan tâm, chăm lo cho công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học có tiến bộ, tích cực nhưng chưa thường xuyên. Tồn đọng chính sách cho người kháng chiến và người dân còn lớn. Nguồn lực cho khắc phục hậu quả chất độc hóa học còn hạn chế; hỗ trợ cho mỗi người dân hàng tháng không lớn. Hoạt động tuyên truyền, đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và khắc phục hậu quả môi trường chưa mạnh mẽ, thường xuyên…
Đồng tình với 4 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới mà báo cáo đã đưa ra, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh yêu cầu trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần quán triệt, thực hiện tốt hơn nữa 5 nhiệm vụ mà Chỉ thị số 43 và mới đây là Văn bản số 6792 của Ban Bí thư (khóa XII) đã đề ra; hướng tới sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43 một cách bài bản, thiết thực, hiệu quả.
Phan Thanh