Mọi hoạt động của hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể đều tập trung hướng về cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, đó là đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đăk Nông tại buổi giao ban công tác dân vận tháng 7 vừa qua.
|
Câu lạc bộ Trái tim nhân ái trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình khó khăn huyện Đắk R'lấp |
Theo đó, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, một trong những hoạt động được các cấp dân vận, mặt trận, đoàn thể xã hội tập trung thực hiện, đó là giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khó khăn.
Đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, chỉ tính riêng tháng 7 đã vận động đoàn từ thiện đến từ TP. Hồ Chí Minh thăm, tặng hơn 350 suất quà gồm sách vở, ba lô, dép, áo ấm, chăn và 20 chiếc xe đạp trị giá trên 100 triệu đồng cho các em học sinh khó khăn của hai xã Đức Mạnh và xã Đắk R’la (Đắk Mil). Bên cạnh đó, thông qua nguồn đóng góp của chị em, hội viên cùng với công tác vận động, hiện nay Hội đang triển khai xây dựng 2 căn nhà Mái ấm tình thương cho hội viên dân tộc thiểu số nghèo.
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, việc trực tiếp đi về những vùng khó khăn là một trong những cách để đội ngũ cán bộ hội hiểu hơn về cuộc sống của bà con nơi vùng sâu, vùng xa, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh của hội viên để có những cách thức giúp đỡ thiết thực. Qua đó, Hội cũng kịp thời động viên các hội viên tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn để cải thiện cuộc sống. “Ở đâu có phụ nữ khó khăn thì ở đó sẽ có các cấp hội đồng hành cùng chị em”, bà Bùi Thị Kim Thư, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh khẳng định.
Hội Nông dân tỉnh thì tập trung vào các hoạt động bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho hội viên. Đến nay, toàn hội đã tổ chức 4 lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại 4 huyện Đắk Song, Krông Nô, Đắk R’lấp và Tuy Đức. Việc phối hợp với các công ty phân bón hỗ trợ phân bón cho nông dân theo hình thức trả chậm cũng được chú trọng. Toàn tỉnh hiện đã triển khai cung ứng trên 1.879 tấn phân bón các loại cho hội viên, nông dân.
Tỉnh đoàn thì tập trung đưa các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân về với cơ sở, nhất là địa bàn khó khăn. Trong tháng 7, Tỉnh đoàn phối hợp với Câu lạc bộ Trái tim nhân ái trao tặng 1 căn nhà trị giá 60 triệu đồng cho gia đình có công với cách mạng tại xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp).
Một trong những điểm nhấn của hoạt động tuổi trẻ tỉnh nhà trong tháng 7 này, đó là tổ chức chương trình Hành trình theo bước chân những người anh hùng tại xã Đắk Wil (Chư Jút) nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh -Liệt sĩ 27/7. Trong chương trình này, Đoàn đã trao 3.000 kg gạo cho các gia đình khó khăn của xã; đồng thời khám, cấp phát 300 đơn thuốc cho các gia đình thương binh, có công với cách mạng. Ngoài ra, cùng với Báo Tuổi trẻ, Tỉnh đoàn đã trao 50 bồn nước cho 50 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán với tổng số 60 triệu đồng.
Theo chị H’Vi Êban, Bí thư Tỉnh đoàn, ngay từ đầu năm, Tỉnh đoàn đã xác định mọi hoạt động không chỉ vì đoàn viên mà còn vì người dân nơi vùng khó, đều hướng về cơ sở. Bởi đây cũng là cách để đoàn viên, thanh niên thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với cộng đồng xã hội. Vì vậy, ngoài việc tích cực kêu gọi, huy động sự giúp đỡ từ bên ngoài, Tỉnh đoàn còn vận động đoàn viên, thanh niên tại chỗ tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân nơi mình sinh sống bằng những hành động thiết thực như thăm hỏi, động viên, giúp đỡ ngày công…
|
Tỉnh đoàn Đăk Nông phối hợp với Ban Thanh niên Công nhân
và Đô thị Trung ương Đoàn, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam,
Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn tặng quà học sinh nghèo xã Nâm Nung (Krông Nô) |
Theo ông Đỗ Văn Sáu, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác dân vận không chỉ nói suông cho xong mà cần phải thể hiện bằng hành động thiết thực. Người làm công tác dân vận phải thấm nhuần phương châm “óc nghĩ, mắt trông, chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm”. Muốn vận động được nhân dân, muốn dân nghe, làm theo thì trước tiên, các cấp, ngành, cán bộ các đơn vị, nhất là hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể phải chứng minh bằng việc làm cụ thể gắn với lợi ích chính đáng của nhân dân. Hơn ai hết, những người làm công tác dân vận là những người gần dân, sát dân nhất. Và khi việc làm tốt rồi thì việc tuyên truyền, vận động cũng dễ dàng, thuận lợi hơn, bà con sẽ tin tưởng và làm theo một cách tự nguyện, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nhân dân sẽ được phát huy tốt hơn.
Nguồn: baodaknong.org.vn, ngày 9/8/2017