Thứ Hai, 23/12/2024
Tết Ramưwan của người Chăm Bàni tỉnh Ninh Thuận

Cũng giống như Tết Nguyên đán của người Việt, đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của người Chăm Bàni và Ixlam. Tết Ramưwan là tết cổ truyền quan trọng nhất và mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni sống trên địa bàn tỉnh, với nhiều hoạt động. Với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất như thực hiện lễ Tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia mời ông bà tổ tiên về với con cháu…

Tết Ramưwan được tổ chức vào các ngày 30-2 và 1,2 - 3 theo Chăm lịch (năm nay nhằm vào ngày 04, 05 và 06/6/2016 theo Dương lịch). Tết Ramưwan là dịp để con cháu, những người còn sống hội tụ nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành; cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc; mùa màng tươi tốt, đất nước thái bình. Do vậy, dù phải làm ăn xa và bận rộn mấy đi chăng nữa thì nhưng người Chăm Bàni vẫn dành thời gian về quê để tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên gia đình và người thân. Tết Ramưwan kéo dài suốt một tháng với nhiều nghi lễ nối tiếp, như: Lễ tảo mộ, lễ Vaha, tháng Ramadan cầu nguyện tại chùa, thánh đường, cúng tại nhà… Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc.

 
Điệu múa truyền thống của các cô gái Chăm

Lễ Tảo mộ là phần quan trọng và mở đầu cho Tết Ramưwan. Ngay từ sáng sớm, đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni ở các làng lo sắm các vật cúng để chuẩn bị cho lễ Tảo mộ. Lễ Tảo mộ là một phong tục rất quan trọng, một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng dân gian. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng, không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp, tất cả đều vì tổ tiên và ông bà. Lễ Tảo mộ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào những ngày cuối của tháng cũ và kết thúc vào ngày đầu tiên của tháng Ramưwan. Khunhrak là nghĩa địa của người Chăm Hồi giáo Bàni thường ở rất xa nơi cư trú, địa hình cao ráo và sạch sẽ. Sau lễ Tảo mộ là lễ cúng tại gia mời ông bà, tổ tiên về với con cháu và tháng chay niệm của các tu sĩ thực hiện ở các chùa.

Vào những ngày này, nhà nhà trong làng người Chăm đông vui náo nhiệt, trẻ con chạy nhảy nô đùa tung tăng; đồ vật trong nhà, bếp, ngoài sân được sắp đặt gọn gàng, dọn vệ sinh sạch sẽ để đón khách. Trước ngày Tết Ramưwan, các bà, các chị, các mẹ chuẩn bị sắm quần áo mới cho đám nhỏ và quần áo lễ; đi chợ sắm lễ vật; xay bột làm bánh tét, bánh ít…

Tối ngày 29 Tết, tại sân của chùa, các nam nữ thanh niên Chăm vui tươi và duyên dáng trong trang phục truyền rực rỡ sắc màu cùng nhau hát, múa đón mừng năm mới. Trong những dịp như thế, những điệu múa Apsara, múa quạt truyền thống… lại xuất hiện, trầm hùng mà sâu lắng, lúc lại nhẹ nhàng thiết tha, hòa quyện với âm thanh độc đáo, đặc sắc của tiếng trống paranưng bập bùng, tiếng kèn Saranai réo rắt cùng không gian huyền ảo, mờ tỏ đưa du khách đến với một thế giới khác, thế giới của các vị thần, với những cánh đồng lộng gió, với những cồn cát trắng chạy dài tràng ngập nắng vàng và những vườn nho bạc ngàn chín đỏ…

Sáng mồng 1, tất cả các tộc họ ở trong làng đồng loạt ra nghĩa địa để làm lễ Tảo mộ. Đây là một trong những nghi thức khởi đầu và quan trọng nhất trong Tết Ramưwan của người Chăm Bàni. Các cô gái Chăm với những bộ trang phục truyền thống phấp phới bay trong gió và nắng sớm, đầu đội ciet đựng đồ cúng lễ đến nghĩa địa làm lễ tảo mộ là hình ảnh ấn tượng, sâu đậm và đáng nhớ nhất. Gia đình bày biện đồ cúng, thầy Char ngồi đọc kinh, trong khi đó thì thân nhân, những phụ nữ nằm úp mặt sát mặt cát nóng bỏng để lạy. Sau lễ Tảo mộ, người dân trong làng đưa nhau về nhà làm lễ cúng ông bà. Nhà nào cũng làm lễ cúng bằng mâm mặn và mâm ngọt. Con trai đi lấy vợ cũng mang lễ vật về nhà cúng vào dịp này. Khi mâm cúng được bày biện xong, thầy Char tụng kinh và cúng cho từng người trong gia đình, mỗi người cúng khoảng 10 phút. Sau phần cúng lễ, người Chăm Bàni tổ chức ăn uống tập trung tại các gia đình anh em họ hàng kéo dài đến hết ngày hôm sau./.

Nguồn: http://btgcp.gov.vn/, ngày 4/6/2016


 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi