Đồng bào dân tộc Mông góp mặt vào danh mục các dân tộc Việt Nam với nhiều nét văn hóa đặc sắc đã làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc Việt, trong đó, không gian sinh hoạt văn hóa chợ phiên là một trong những điểm nhấn độc đáo làm nên nét riêng biệt của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
|
“Gà cắp nách”, một nét văn hóa đặc sắc của người Mông khi xuống chợ |
Toàn tỉnh hiện có trên 262.700 người Mông, chiếm trên 32,5% dân số của tỉnh, sinh sống chủ yếu ở các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần... Người Mông ở Hà Giang thuộc nhóm Mông trắng và Mông hoa. Chợ phiên trên vùng cao họp mỗi tuần một lần, họp vào cuối tuần hoặc họp theo cách tính ngày con giáp (người dân địa phương gọi là phiên chợ lùi). Nếu với các dân tộc khác, chợ là một hoạt động thương mại, là nơi sinh kế của nhiều người thì với người Mông, xuống chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa với những sản vật gia đình sản xuất, nuôi trồng được mang theo như: Gà, lợn, bò, gùi rau cải, tấm vải lanh, chiếc điếu cày hay những quẩy tấu, rượu ngô,... mà chợ còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi tâm tình. Bởi thế, vào mỗi buổi chợ phiên, khi mặt trời còn chưa ló rạng, quãng đường dài không làm mệt mỏi được những bước chân vượt núi đá tai mèo để náo nức xuống chợ; những cô gái váy hoa rực rỡ đung đưa theo dáng núi, khúc khích nụ cười duyên, chàng trai người Mông nhịp bước với tiếng khèn gọi bạn xốn xang.
Đến chợ phiên của người Mông, du khách dễ dàng tìm thấy những khu vực dành riêng cho từng loại mặt hàng như: Vải lanh, thổ cẩm, quẩy tấu, rượu ngô, rau quả, các loại gia súc,... đặc biệt là khu vực ẩm thực, nơi dành riêng cho sự gặp gỡ bạn bè, nơi chảo thắng cố nghi ngút khói hấp dẫn thực khách, nơi bát rượu ngô chếnh choáng men nồng.
Chị Giàng Thị Sú, xã Pả Vi (Mèo Vạc) chia sẻ niềm vui vào mỗi buổi chợ phiên: “Mình mặc bộ váy đẹp nhất để xuống chợ; mình bán gà xong rồi, đang chờ gặp bạn mà; từ ngày đi lấy chồng, ít được gặp nhau, nhiều chuyện để kể lắm”. Tôi nhận ra trong sâu thẳm đôi mắt đang ngóng chờ bạn của chị Sú, nhiều nỗi niềm chất chứa muốn được sẻ chia. Thêm một điều ấn tượng với chúng tôi khi đến chợ phiên là ở gian hàng bán rượu, những người đàn ông, cả phụ nữ lần lượt thử rượu, người bán niềm nở, mời chào, người mua nhiệt thình thư,... tất cả họ đều vui vẻ, cười nói lẫn cả vào trong tiếng gió. Hình ảnh này thật khó để bắt gặp ở một dân tộc khác. Cũng từ những phiên chợ, qua tiếng khèn da diết gọi mời; nhiều chàng trai, cô gái đã mê đắm và tìm đến nhau, rồi khắc khoải, chờ đợi những phiên chợ sau để gặp gỡ, hẹn hò, rồi nên vợ nên chồng sau đó.
Chợ phiên không chỉ góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động thương mại, nâng cao đời sống cho người dân mà giờ đây chợ phiên đã trở thành một “sản phẩm” du lịch có sức hút mạnh mẽ; đặc biệt từ ngày Cao Nguyên đá Đồng Văn góp mặt trong mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu và Hà Giang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá thu hút hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm thì cũng có gần chừng ấy du khách muốn một lần được “lang thang” chợ phiên trên miền đá.
Nếu ai đó nói sự thương mại hóa, du nhập của nhiều mặt hàng công nghiệp từ miền xuôi đang làm mai một nét văn hóa của các phiên chợ vùng cao thì có lẽ đó là một nhận xét phiến diện. Những gian hàng bày bán quần áo, giầy dép, hàng điện tử của người dân miền xuôi chỉ góp thêm một nét riêng cho chợ phiên thêm náo nức. Nếu bạn một lần trải nghiệm, khám phá và cảm nhận những hơi thở, nhịp sống ở chợ phiên của người Mông, bạn sẽ thấy những điều trên chỉ là một phần rất nhỏ, còn tầng sâu ý nghĩa và những nét văn hóa chợ vẫn còn vẹn nguyên. Không phô trương, cầu kỳ, bon chen, thị phi, chợ phiên vẫn mộc mạc, chân thành giữa người mua, kẻ bán như chính bản chất tốt đẹp của con người nơi đây vậy.
Cô bạn Nguyễn Vân Anh của tôi chia sẻ sau khi tham gia buổi chợ phiên ở trị trấn Mèo Vạc: “Về đây, lắng nghe nhịp sống của đồng bào vùng cao, mình cảm thấy tâm hồn thật thoải mái. Yêu mảnh đất và con người nơi đây quá, khác xa với sự nhộn nhịp, bon chen nơi Hà thành. Mỗi gương mặt chất chứa bao nỗi nhọc nhằn của sự mưu sinh trên vùng đất khó nhưng thật chân thành và đáng trân trọng”.
Trong câu chuyện bên ấm trà nóng những ngày tháng 8 mùa Thu, ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, là một người con của đồng bào Mông tự hào khi giới thiệu về văn hóa dân tộc mình: “Nhiều dân tộc cùng sinh sống với nhau, chợ phiên trở thành nơi giao thoa giữa những nét văn hóa của các dân tộc; nhưng có thể thấy với người Mông, đi “chơi chợ” mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, phong tục đặc biệt hơn. Chợ phiên của người Mông luôn đặc sắc, nổi bật với những nét rất riêng về ẩm thực, trang phục và cả mục đích mà người Mông xuống chợ. Sự mua, bán không được nâng lên đặt xuống, kỳ kèo giá cả mà được giải quyết nhanh chóng...”. Được ví như “Bảo tàng sống” về sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chợ phiên thực sự thể hiện sinh động những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống của người Mông. Bất kỳ ai, nếu một lần đặt chân lên miền cực Bắc, hãy một lần hòa mình vào nhịp sống chợ phiên, bạn sẽ hiểu cuộc sống và nét văn hóa của người Mông đáng yêu, đáng trân trọng và cần gìn giữ đến nhường nào.
Nguồn: baohagiang.vn/Biên Luân, 7/9/2016