Thứ Tư, 22/1/2025
Nhà sàn Thái - giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người

Theo lý giải của TS Lê Sĩ Giáo, chuyên ngành dân tộc học, trường ĐH KHXH& NV Hà Nội thì người Thái cư trú và dựng nhà ở các vùng thung lũng một phần bởi hoạt động kinh tế truyền thống của họ là canh tác lúa nước. Bên cạnh đó, nhà sàn của người Thái nằm ở thung lũng giúp tránh độ ẩm cao, côn trùng hay thú dữ. Nhà của người Thái bao giờ cũng dựng theo hình thái của núi, sông suối, cánh đồng nơi mình sinh sống, thường là lưng tựa núi, hướng nhìn ra thung lũng. Sở dĩ như vậy vì gió thường thổi dọc thung lũng, cho nên áp lực của gió lên ngôi nhà sẽ là bé nhất.


  Những ngôi nhà sàn của người Thái được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Tuy cùng là dân tộc Thái, thế nhưng ngôi nhà sàn của người Thái đen và Thái trắng có những điểm khác nhau. Nếu nhà sàn của người Thái đen có mái hình mai rùa, cấu trúc lợp liền hai mái với hai trái thành một liên kết thì người Thái trắng (ở vùng Quỳnh Nhai, Sơn La) làm nhà giống với nhà người Mường, người Tày, tức là nguyên tắc 4 mái. Hai mái chính và hai trái khu biệt rõ ràng. Đặc biệt, điểm dễ nhận biết nhất đó chính là khau cút (khau là cái sừng, cút là cái cụt, khau cút tức là cái đôi sừng cụt của con trâu) được trang trí trên nóc nhà chỉ có ở nhà người Thái đen. Đối với người Thái đen, khau cút là một vật linh thiêng của ngôi nhà. Họ rất kính trọng vật thiêng nên nhà nào cũng để ở nơi dễ thấy nhất, là hai đầu hồi.Thậm chí, gia đình nào khó khăn, nghèo nhất cũng dùng hai thanh tre dài hoặc hai thanh gỗ bắt chéo lại, cũng được gọi là khau cút vậy.

Đối với nhà của người Thái đen, hai đầu hồi có hình mai rùa. Điều này bắt nguồn từ truyền thuyết của đồng bào Thái rằng rùa đã dạy con người làm nhà, tránh thú dữ. Theo những người Thái đen cao niên kể lại, ngôi nhà sàn của người Thái đen ngày xưa gọi là nhà hình mai rùa, cấu trúc không có 4 mái, người ta lợp liền hai mái chính với hai trái thành một liên kết và mang hình mai rùa. Cái đầu, cái miệng là cái lối cầu thang chính, còn cái đuôi là lối cầu thang phụ.

Tuy có những sự khác biệt trong kết cấu, thiết kế nhà sàn của người Thái luôn có hai cầu thang: một dành cho nữ, một dành cho nam. Số gian nhà nhiều hay ít tùy từng gia đình, nhưng bắt buộc phải là số lẻ. Người Thái thích con số lẻ bởi họ quan niệm số chẵn là số “chết”, số lẻ mới là số của sự phát triển. Theo ông Lường Văn Dòm, người dân tộc Thái (ở bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho biết làm số chẵn là điều tối kỵ, kể cả bậc cầu thang.

Kỹ thuật làm nhà của người Thái cũng thật kỳ công, tỉ mỉ. Ngôi nhà sàn truyền thống được làm bằng gỗ rừng và các loại cây tre, vầu, nứa… Chính vì thế trước khi làm nhà, việc tiên quyết là chọn và tích trữ gỗ. Việc chọn gỗ đối với người Thái có những quy tắc bất di bất dịch. Họ kiêng, không lấy những cây gỗ cụt ngọn, bởi ngoài ý nghĩa không trọn vẹn, không đầy đủ, cây gỗ cụt ngọn rất dễ có mối mọt, như thế sẽ gây tổn hại đến độ bền của ngôi nhà. Ngoài ra, gỗ tốt mà bị sét đánh thì cũng không lấy bởi người Thái cho rằng cái cây đó có ma, nó có cái gì đấy không lành. Thường những cây mọc một gốc hai ngọn lên họ cũng kiêng, ít dùng. Những cây có dây leo gọi là xà leo, giống như con rắn bám quanh thì họ cho rằng đó là điềm không lành. Về việc chọn chất liệu gỗ, bà con thường dùng gỗ nghiến, sau đến trò chỉ, những loại gỗ tốt, nhất là những loại gỗ mọc trên núi đá. Sau khi mang về phải ngâm từ 2 - 3 năm để không mối, không mọt thì mới làm nhà được. Như vậy, thông thường để làm nhà, người Thái phải chuẩn bị từ 2 đến 3 năm.

Dù nhà được dựng bởi các loại cây thân gỗ, tre, nứa… nhưng điều độc đáo là trong quá trình thi công, người Thái không phải tốn bất cứ một chiếc đinh, mẩu sắt nào.Thay vào đó là cả hệ thống dây chằng, buộc thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt giang và mây. Khi làm nhà, người Kinh thường lắp mộng thắt, còn nhà sàn người Thái sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột. Cách làm tưởng như đơn giản này lại rất chắc chắn. Thậm chí có những nếp nhà sàn tồn tại tới hàng trăm năm.

Dựng nhà xong thì tới phần lợp mái. Trước đây, người Thái thường dùng cỏ tranh, cắt về phơi khô, đánh thành tranh rồi lợp mái. Ưu điểm của nhà mái tranh bao giờ cũng mát. Xưa nhà sàn người Thái thường có hai bếp, bếp trong và bếp ngoài. Khi nấu nướng thì khói xông lên càng làm tăng độ bền của mái.

Ngày nay, bên cạnh sự giao lưu các vùng miền với việc nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, nhà sàn Thái đã có những biến đổi, cột gỗ thay bằng bê tông, mái lợp lá thành mái ngói hoặc pro-ximăng. Hiện nay, người Thái đã sử dụng kỹ thuật mộng của người Kinh để làm nhà. Những ngôi nhà sàn nguyên bản đang ít dần, nhưng không vì thế mà chúng ta không ngừng thêm khâm phục quá trình chuẩn bị công phu cũng như những hiểu biết, kỹ thuật cao trong xây dựng nhà sàn của dân tộc Thái./.

Nguồn:quehuongonline.vn, ngày 4/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi