Thứ Năm, 9/5/2024
Tăng cường đưa pháp luật vào cuộc sống của người dân các buôn làng Tây Nguyên
 
BĐBP tỉnh Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới


Với mong muốn đưa pháp luật đến gần hơn với cuộc sống của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban;  Bộ Tư lệnh BĐBP là Cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện đề án đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đề án từ cấp Trung ương đến các địa phương, đơn vị.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL giai đoạn 2017-2021 được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, sinh động, sát với thực tế của từng địa phương; trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang, trong đó, nòng cốt là BĐBP. 

Trong giai đoạn 2017-2021, với vai trò là cơ quan thường trực đề án, qua kết quả khảo sát thực trạng đời sống pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các tuyến biên giới, hảo đảo từ 3 hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, PBGDPL ở khu vực phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, giai đoạn 2017-2021, công tác tuyên truyền, PBGDPL ở địa bàn miền Trung-Tây Nguyên tập trung vào những vấn đề nóng mà nhận thức của cán bộ và bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế như: Di cư tự do, tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Từ sự chỉ đạo đúng, trúng của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh đã tham mưu cho UBND các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chủ trì mở các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về biên giới quốc gia về Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định về cư trú và phòng chống di dịch cư tự do về biên giới cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các xã biên giới; còn các sở, ngành lại mở lớp tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân.

Căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa bàn, các đồn Biên phòng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương triển khai nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân như: Tuyên truyền pháp luật lồng ghép với các hội nghị, họp thôn bản; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, băng đĩa hình, thi tìm hiểu pháp luật, biểu diễn văn nghệ, tư vấn pháp luật... Chỉ tính riêng năm 2018, các đơn vị đã tuyên truyền, PBGDPL được 1.265 buổi/123.304 lượt người, 6 tháng đầu năm 2019 được 785 buổi/82.350 lượt người; tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống di dịch cư tự do, hôn nhân cận huyết thống, mua bán người được 39 buổi/ 5.850 lượt người, 6 tháng đầu năm 2019 được 26 buổi/ 3.615 lượt người...

Bên cạnh đó, hàng tháng, quý, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Công an các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với ngành tư pháp và Đài Phát thanh-Truyền hình các địa phương xây dựng các chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”, “Quốc phòng toàn dân”... có nội dung tuyên truyền, PBGDPL. Riêng BĐBP các tỉnh, thành phố còn giao cho Phòng Chính trị xây dựng các chương trình văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền về pháp luật để các Đội Tuyên truyền Văn hóa đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở tất cả các xã, phường biên giới, thị trấn, bờ biển với trên 3.000 buổi biểu diễn. Thông qua hình thức tuyên truyền được sân khấu hóa, nhân dân khu vực biên giới, đặc biệt là bà con các dân tộc Tây Nguyên đã nâng cao hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là trong việc chấp hành các quy định, quy chế về quản lý biên giới. 

Ngoài ra, với hệ thống các trung tâm tư vấn pháp luật đã được thành lập tại các xã, phường, thị trấn biên giới, các đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và hoàn thiện các câu lạc bộ tư vấn pháp luật ở các xã biên giới. Kết quả đến thời điểm này, cơ bản các xã, phường, thị trấn biên giới đã thành lập được Câu lạc bộ Tư vấn pháp luật đặt tại trung tâm xã, phường với thành viên là cán bộ đồn Biên phòng, cán bộ tư pháp, văn hóa xã.

Sự ra đời và hoạt động tích cực của các câu lạc bộ đã đáp ứng được nhu cầu tư vấn, hỏi đáp về pháp luật cho người dân. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn biên giới cũng chú trọng đầu tư xây dựng 1.109 ngăn sách, tủ sách pháp luật để phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho nhân dân; các đồn Biên phòng còn có sáng kiến xây dựng túi sách pháp luật lưu động để cùng với địa phương tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho bà con đi làm nương rẫy và ngư dân đi biển dài ngày hoặc các cụm bản, làng xa xôi, hẻo lánh trên biên giới. 

Đặc biệt, xác định địa bàn miền Trung-Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước về quốc phòng, an ninh, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống của đồng bào các dân tộc đã ngày càng “thay da, đổi thịt”, tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên tình trạng di cư tự do, tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này với vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, BĐBP các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp bà con hiểu việc di cư tự do là trái pháp luật để họ tự giác chấm dứt.

Đồng thời, các đơn vị cũng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, huyện có đông đồng bào di cư tự do vào khu vực biên giới Tây Nguyên vận động người dân không di cư tự do mà yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống tại chính quê hương mình. 

Công tác tuyên truyền, PBGDPL cũng được chú trọng tuyên truyền sâu rộng về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... trong đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm cải thiện và nâng cao nhận thức cho bà con về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Để người dân hiểu và chấp hành tốt, BĐBP đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan biên soạn, phát hành tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật về hôn nhân và gia đình tập trung vào địa bàn còn tình trạng kết hôn cận huyết thống để cải thiện và nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, các đồn Biên phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thành lập các mô hình sinh hoạt cộng đồng như: Câu lạc bộ tiền hôn nhân, Câu lạc bộ không sinh con thứ ba, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Câu lạc bộ Thanh niên với pháp luật để tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản hướng dẫn giúp bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Chia sẻ về các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thời gian tới, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện đề án, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, PBGDPL phải được tăng cường cả bề rộng và chiều sâu để tiếp tục phát huy ý nghĩa, tác dụng và hiệu quả của đề án. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo để mỗi người dân đều được tiếp cận với chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương. 


(bienphong.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất