Thứ Hai, 30/12/2024
Kinh tế- xã hội chín tháng đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn dự báo

 


Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời điểm này đã là ¾ chặng đường năm 2019 và tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn dự báo, với nhiều chỉ tiêu trên các lĩnh vực cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 6,98%, mức tăng cao nhất so cùng kỳ trong chín năm qua. Lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong ba năm qua, bình quân chín tháng chỉ tăng 2,5%. Tổng vốn đầu tư ngoài xã hội tăng 10,3%, đặc biệt khu vực ngoài nhà nước, tư nhân tăng tới 16,9%, chiếm tỷ trọng trên 43,5%. Vốn đầu tư FDI đạt 14,2 tỷ USD; thu ngân sách Nhà nước tăng cao, đạt 10,1%, bội chi còn 3,4% GDP và nợ công chỉ còn dưới 57% GDP.

Ước tính cả năm nay, thu ngân sách vượt dự toán Quốc hội giao khoảng 5%. Xuất khẩu đạt 193 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó, khu vực trong nước tăng 16,4%, cao hơn mức tăng của khu vực FDI; xuất siêu đạt kỷ lục với gần sáu tỷ USD.

Công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 11,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý 3. Nông nghiệp dù gặp khó khăn về hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu... nhưng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại nên vẫn tăng trưởng hơn 2%. Nhờ tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp, trong đó có chế biến nông sản rừng trồng đã giúp cả năm nay xuất khẩu gỗ sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD. Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%, khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt, tăng gần 11%. Chín tháng qua cũng có 102 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký tăng 34%. Có 87,9% doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ ổn định và tốt hơn. Lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... đều đạt kết quả quan trọng.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tổ chức tốt năm học mới, kể cả ở những địa phương gặp thiên tai bão lũ. Kết quả này phù hợp nhận định và đánh giá tình hình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và sắp tới trình BCH T.Ư, đó là năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có năm chỉ tiêu vượt kế hoạch, đều là các chỉ tiêu quan trọng.

Điều đáng nói, tăng trưởng không chỉ tốt về số lượng mà chất lượng cũng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được cải thiện rõ nét.

Thủ tướng cho rằng, những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nhiều mặt không thuận từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, do tác động của chiến tranh thương mại và các yếu tố rủi ro mang tính chất chu kỳ, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng trên bờ suy thoái. Trong đó, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn giảm, như: Mỹ giảm 2%, EU giảm 1%, Nhật Bản giảm 0,5%, Singapore không tăng trưởng... Nhiều nước đang bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. FED bắt đầu giảm lãi suất.

Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức uy tín quốc tế đều đánh giá tích cực về Việt Nam. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Standard Chartered dự báo tăng 6,9% và giữ được đến năm 2021; Citigroup điều chỉnh dự báo tăng từ 6,7% hồi đầu năm lên 6,9% vừa rồi. Việt Nam đứng thứ tám trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so năm 2018.

Điều đó khẳng định những sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm, mang lại kết quả khả quan, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Đặc biệt, đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực vượt khó, của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta. Điều đó cũng nói lên rằng, khi chúng ta đã quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít điểm yếu và khó khăn thách thức, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,1% kế hoạch Quốc hội thông qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 50%. Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để đưa ra các giải pháp căn cơ, quyết liệt và tại phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hoàn chỉnh và trình Chính phủ ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề quan trọng này.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp bị thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm giảm tổng đàn lợn gần 20% với 5 triệu con bị tiêu hủy. Sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm.

Như vậy chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại không như kỳ vọng. Chính phủ đã đã tập trung nêu vấn đề này với lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều bộ khác, nhưng chúng ta đón bắt cơ hội này còn hạn chế; các cấp các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm. Do đó nhiều tập đoàn lớn chưa vào nước ta như dự đoán. Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ và chưa xác định được thời gian hoàn thành mặc dù vừa qua, Chính phủ đã khởi công, khánh thành một số công trình hạ tầng, tiếp tục chỉ đạo khởi công các hạ tầng quan trọng như đường cao tốc bắc - nam như nhiều dự án đường sắt đô thị, sân bay Long Thành... còn triển khai chậm.

Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao, nhiều mặt hàng chủ lực giảm, nhất là nông sản, do giá giảm mạnh, trong đó có thủy sản, gạo, cà-phê. Do đó, việc tìm thị trường mới, cơ cấu lại thị trường là cần thiết. Trong quý 3 cũng phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực văn hóa, an ninh trật tự, các dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng; vấn đề đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, thao túng thị trường chứng khoán, làm giả thẻ ATM... Ô nhiễm môi trường của hai đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội khiến người dân kêu ca nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khắc phục các vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan để hoàn thành kế hoạch năm nay, tạo tiền đề cho năm 2020. Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã rất tích cực, kỳ công nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo văn kiện để trình Ban Chấp hành T.Ư trong hội nghị sắp tới.


Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong ba tháng tới là yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế; có biện pháp khắc phục hạn chế yếu kém; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra.

Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để ứng phó kịp thời. Các ngành, địa phương phải nỗ lực thu hút mạnh đầu tư FDI; trong đó thu hút các tập đoàn lớn, công nghệ cao trên thế giới vào đầu tư. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng như giải ngân, cổ phần hóa DNNN, thúc đẩy cải cách hành chính. Tiếp tục kiện toàn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; không để thiếu điện; làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH năm 2019 trên tinh thần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; giải phóng sức sản xuất, phá bỏ điểm nghẽn, sức ì; bảo đảm tăng trưởng và thu ngân sách tốt hơn.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại, diễn biến của thị trường tài chính tiền tệ thế giới với nước ta để đưa ra giải pháp phù hợp; đẩy mạnh tận dụng lợi thế các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết; chủ động bám sát, đánh giá khách quan về chính sách tiền tệ Việt Nam. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước lớn, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đó là ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh trên người và gia súc; hợp tác với EU để tháo gỡ “thẻ vàng” đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh thu hút du lịch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Bộ Nội vụ xem xét môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương, trong đó tính yếu tố này vào thi đua của từng địa phương; yêu cầu các ngành chức năng có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức tốt Ngày vì người nghèo 17-10; có những giải pháp căn cơ để giải quyết tốt các vấn đề xã hội ở nước ta, nhất là xóa đói, giảm nghèo cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1,093 triệu tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt hơn 1,029 triệu tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán, tăng 3,8%. Tính chung chín tháng qua, cả nước có 129.868 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,7%, trong đó có 102.274 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% về số DN và tăng 34% về số vốn đăng ký; 27.594 DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5%.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý các vấn đề để đưa các DNNN đi vào hoạt động hiệu quả kể cả đầu tư phát triển. Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; thực hiện ngay việc tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại; các ngân hàng phải có trách nhiệm chính trị đối với sự phát triển của đất nước. Bộ Tài chính phải xử lý gấp kết luận của Chính phủ về vốn điều lệ của các ngân hàng.

Về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; không cắt giảm theo kiểu hình thức mà phải thực chất để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn người dân và doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ thống kê lại việc xây dựng thể chế để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc các bộ, ngành nợ các văn bản pháp luật như Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện văn bản luật được giao với chất lượng tốt để trình T.Ư, Quốc hội.

Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các địa phương có giải pháp quyết liệt giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội như tai nạn giao thông, hỏa hoạn nhiều nơi, ô nhiễm không khí; công khai thông tin và có cảnh báo người dân. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí…

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi