Thứ Sáu, 26/4/2024
Lai Châu nỗ lực cải cách thủ tục hành chính
 
Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tạo điều kiện thuận lợi cho
người dân giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính. 


Những năm qua, dù đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư; tuy nhiên trong ba năm trở lại đây, chỉ số PCI của tỉnh Lai Châu luôn vẫn ở mức thấp so cả nước, xếp từ 60 đến 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, kết quả xếp hạng các chỉ số thành phần chỉ có 3/10 chỉ số đứng ở nhóm trên; trong đó các chỉ số quan trọng như chi phí thời gian, chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động… luôn đứng ở tốp cuối so cả nước.

Nguyên nhân các chỉ số có thứ tự xếp hạng ở nhóm thấp cũng được tỉnh Lai Châu thẳng thắn nhìn nhận do các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực… Ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chỉ số PCI luôn ở mức thấp là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị chưa quyết liệt, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc cải thiện các chỉ số PCI; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính công (PAR-Index). Quy trình, thủ tục giải quyết các thủ tục liên quan các dự án đầu tư còn phức tạp, nhiều bước, nhiều khâu, thời gian xử lý dài. Các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản… còn nhiều bất cập

Theo đồng chí Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, để cải thiện các vấn đề trên, Lai Châu đã ban hành kế hoạch cụ thể theo giai đoạn, theo năm. Giao các cơ quan chủ trì từng tháng, từng quý sẽ kiểm đếm, đôn đốc các đơn vị thực hiện, nhằm phục vụ tốt hơn quá trình minh bạch hóa thông tin, tinh gọn thủ tục tạo sự thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Sau khi có nghị định của Chính phủ và hướng dẫn liên ngành giữa Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, UBND tỉnh Lai Châu đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp Sở Nội vụ xây dựng đề án, sửa đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng theo quy định. Đến nay, cơ bản tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đi vào ổn định và hoạt động tốt.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại 133 cơ quan, địa phương trong đó: cấp tỉnh, 17/20 cơ quan; tám UBND các huyện, thành phố; 108 xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện theo Đề án một cửa và Quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đối với cấp tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu sẽ đưa gần 1.400 thủ tục hành chính vào giải quyết, trong đó có gần 300 thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý tại chỗ. Theo đó, 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được số hóa, giải quyết trên môi trường mạng và được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận.

Với việc tập trung đầu mối 15 sở, ngành thuộc UBND tỉnh và hai doanh nghiệp nhà nước là Công ty Điện lực và Công ty CP nước sạch đều bố trí công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ theo chuỗi liên thông đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian cho người dân và doanh nghiệp đến làm các thủ tục.

Anh Lê Tiến Lâm, Chủ đầu tư thủy điện thuộc Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành cho biết, trước đây, công ty làm các thủ tục thường phải đi lại và thông qua nhiều sở, ngành mất rất nhiều thời gian. Nhưng bây giờ, đến Trung tâm Phục vụ hành chính công là có thể giải quyết được các thủ tục một cách nhanh gọn với thái độ rất chuyên nghiệp và hiện đại.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo quyết liệt đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, hạn chế tối đa chi phí đi lại, thời gian và tiền bạc của tổ chức, cá nhân, nâng cao năng lực công tác và ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: “Chúng tôi phải bảo đảm đúng thời gian theo quy định, thậm chí là phải sớm hơn và tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Mục tiêu khi người dân đến đây, chỉ cần một lần là có thể giải quyết được các thủ tục hành chính. Thậm chí trong tương lai gần, chúng tôi hướng tới việc người dân không cần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công, ở nhà cũng có thể đề nghị giải quyết thủ hành chính được”.

Song song với việc giải quyết nhanh gọn các thủ tục, UBND tỉnh Lai Châu cũng quan tâm việc sửa đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp nhận sự. Đến tháng 9/2019, toàn tỉnh Lai Châu đã sắp xếp giảm 192 tổ chức, đơn vị, trong đó: 30 phòng, ban, chi cục, đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (11 phòng, hai chi cục; 17 đơn vị sự nghiệp); 30 tổ chức thuộc chi cục thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 65 đầu mối trực thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; hai đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện; bảy đơn vị thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; 58 trường học; giảm 197 lãnh đạo (104 cấp trưởng, 93 cấp phó); giảm 955 biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy (trong đó biên chế công chức: 93, viên chức: 829, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 33). Đến nay, cơ bản tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đi vào ổn định và hoạt động tốt.

Đồng chí Trần Đỗ Kiên, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đơn vị được sáp nhập từ bảy đơn vị khác nhau của Sở Y tế Lai Châu cho rằng, việc sáp nhập từ bảy đơn vị thành một đơn vị mang lại nhiều thuận lợi như trong công tác khám, chữa bệnh, trước đây đơn vị đơn lẻ mà khám có nghi ngờ bệnh về mắt hay da liễu thì phải có một thủ tục là xin chuyển sang để khám, nhưng giờ không phải làm việc này nữa mà xuống trực tiếp tại phòng khám chuyên khoa của Trung tâm. Việc đi giám sát y tế cơ sở, trước đây bảy cơ quan thì có bảy đoàn đi vừa tốn kém, vừa mất nhiều thời gian cho cơ sở và các trung tâm tỉnh, thậm chí có sự chồng chéo; nhưng giờ thì thành lập đoàn đủ các bộ phận đi làm hết các mảng nên hiệu quả rất tích cực.

Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế cơ bản đã tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của từng cơ quan, đơn vị nên kết quả thực hiện cơ bản đạt yêu cầu, kế hoạch. Việc sáp nhập, củng cố được các cơ quan, đơn vị đã giảm kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước do giảm biên chế với số tiền là 27.803 triệu đồng.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định, trong thời gian tới cơ quan đơn vị của tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Quyết định, Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Lai Châu sẽ tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy, đưa Lai Châu từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trung du, miền núi phía bắc và cả nước.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất