Thứ Bảy, 11/1/2025
Lực lượng vũ trang Điện Biên thực hiện tốt công tác dân vận

Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh cơ bản ổn định, nhưng cũng có những diễn biến mới phức tạp; hoạt động di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, vượt biên, tội phạm, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động có chiều hướng gia tăng. Trong đó, vụ tụ tập đông đồng bào Mông tại huyện Mường Nhé (tháng 4-2011) là dẫn chứng điển hình về sự chống phá của phần tử cực đoan, phản động trong nước cấu kết với lực lượng bên ngoài hòng thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống đối chính quyền, gây mất trật tự xã hội. Mặc dù vụ việc trên đã được giải quyết xong, nhưng hiện ở Mường Nhé cũng như trên địa bàn Tỉnh còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, những năm qua, lực lượng vũ trang Điện Biên luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, cấp ủy các cấp về công tác dân vận; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác”, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực bám dân, bám bản, để tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc vùng “phên giậu” Tây Bắc của Tổ quốc.

Trong quá trình tiến hành công tác dân vận, lực lượng vũ trang Tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là chính sách đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để đồng bào hiểu và thực hiện. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức: trực tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục quốc phòng và an ninh, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ, hội, sinh hoạt văn hóa, v.v. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã thành lập các tổ, đội công tác với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ luân phiên đến với các bản, làng làm công tác dân vận, thực hiện “3 bám, 4 cùng, 5 có”1, để nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm để dân tin. Nhằm nâng cao khả năng nghe, nói tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số của cán bộ làm công tác dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng nhanh cho lực lượng làm nhiệm vụ này để đáp ứng yêu cầu trước mắt, tiếp đó tổ chức học tập nâng cao. Đến nay, có khoảng 52% cán bộ có thể nghe, nói được ít nhất một thứ tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình tuyên truyền, cán bộ dân vận đã vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn, luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; đồng thời, chỉ rõ những thành quả cách mạng 70 năm qua của Đảng đã mang lại cho đồng bào cuộc sống tự do, ấm no ngày hôm nay, để đồng bào nhận rõ, không nghe, không tiếp tay cho kẻ xấu. Trong 05 năm qua (2010 - 2015), lực lượng vũ trang Tỉnh đã tổ chức hơn 11.000 buổi tuyên truyền cho hơn 400.000 lượt người là đồng bào các dân tộc và bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, mọi mặt đời sống của đồng bào. Nhiều người trước đây từng là thành phần “chủ chốt” trong vụ tụ tập đông người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tháng 4-2011), nay đã trở lại với cuộc sống bình thường, tích cực lao động, sản xuất, luôn tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, mang lại sự bình yên nơi biên cương Tây Bắc Tổ quốc.

 Để đồng bào yên tâm sinh sống, định canh, định cư, xây dựng thôn bản văn minh, giàu đẹp, vấn đề quan trọng trong công tác dân vận là giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo” và Nghị quyết 80/2011/NQ-CP của Chính phủ về “Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020”. Trong đó, trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Lực lượng vũ trang Tỉnh đã trực tiếp đảm nhiệm giúp 02 xã Mùn Chung, Mường Mùn (nay được chia tách thêm 02 xã Pu Sy và Nà Tòng - thuộc huyện Tuần Giáo) phát triển mọi mặt đời sống xã hội; xây dựng các mô hình trồng rừng, trồng lúa chất lượng cao và hướng dẫn cho hơn 1.000 hộ đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nâng cao năng suất lao động, thu nhập.

Nhằm đảm bảo cho công tác quản lý, quy hoạch phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh, Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng di dịch cư tự do, nhất là đối với đồng bào Mông. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án 79 (sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn huyện Mường Nhé theo Quyết định 79 của Chính phủ) thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát, bám nắm cơ sở, phát hiện, dự báo tình huống, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm Dự án đạt tiến độ, mục tiêu đề ra. Tuy còn nhiều vướng mắc, song đến nay Dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng2. Các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông, gương mẫu và vận động gia đình chấp hành Luật Cư trú, không di dịch cư tự do; khi phát hiện có đồng bào di cư thì tổ chức tổ công tác chuyên ngành xuống tuyên truyền, thuyết phục đồng bào không nghe lời kẻ xấu, ở lại làm ăn sinh sống. Qua đó, đã góp phần tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, nhất là ở các huyện nghèo, phấn đấu đến năm 2020 các huyện này có sự phát triển ngang bằng các huyện khác trong Tỉnh3.

Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, lực lượng vũ trang Tỉnh đã huy động trên 6.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 2.500 lượt dân quân tự vệ giúp các địa phương xây dựng các công trình giao thông, nhà văn hóa; tháo gỡ, di chuyển 455 nhà tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, tu sửa 642 nhà dân; xây dựng, sửa chữa 18 trạm y tế, tập huấn cho 165 lượt y tá thôn, bản; khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 66.600 lượt đồng bào với tổng giá trị gần 1,3 tỷ đồng, v.v. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, v.v. Đặc biệt, trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Tiêu biểu như trong cơn lũ lịch sử tại Tuần Giáo (tháng 7-2015) vừa qua và các lần cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ quét, cháy rừng khác..., để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là nội dung quan trọng, được Đảng ủy Quân sự Tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang tích cực tham gia. Cơ quan quân sự các huyện (thị xã) tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành làm tốt công tác phát triển đảng viên trong các lực lượng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Trong 05 năm qua (2010 - 2015), đã kết nạp được gần 300 đảng viên trong dân quân tự vệ, góp phần xóa 35 thôn bản không có chi bộ, xóa 48 bản không có đảng viên, củng cố 150 tổ chức đoàn thể, 100% Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường được kiện toàn đủ 04 chức danh; cán bộ chỉ huy cơ sở được đào tạo qua trường Quân đội. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn phân công cán bộ trực tiếp giúp cán bộ, đảng viên, đoàn thể của các xã khó khăn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác cho cấp ủy, chi bộ thôn, bản, các tổ chức quần chúng. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên, các đoàn thể hoạt động có nền nếp, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy được sức mạnh nhân dân trong xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh.

Ghi nhận những thành tích đó, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 152, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã tặng Bằng khen cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên vì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận”. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này.

Từ thực tiễn tiến hành công tác dân vận, với kết quả đạt được và những mặt hạn chế, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Một là, thường xuyên coi trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ đối với công tác dân vận. Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, trách nhiệm của người chỉ huy và vai trò tham mưu của cơ quan chính trị các cấp trong tổ chức thực hiện. Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, phong tục, tập quán của đồng bào, thực tiễn tình hình địa bàn. Bốn là, quan tâm xây dựng, củng cố cơ quan, cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lấy kết quả công tác dân vận là một tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và tập thể. Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thi đua - khen thưởng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác dân vận.

Đại tá NGUYỄN THẮNG XUÂN, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
____________________

1 - 3 bám: bám chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và của địa phương; bám nhiệm vụ chính trị; bám dân, bám bản, bám địa bàn. 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào.       5 có: có sức khỏe; có năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật; có tâm huyết với công việc; có tính kiên trì, bền bỉ; có tình yêu thương, đồng cam cộng khổ với đồng bào.

2 - Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập phương án sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng san ủi mặt bằng, làm đường giao thông, nước sinh hoạt tại 05 điểm bản xã Mường Toong (4, 5, 6, 7, 8) và tổ chức di chuyển được 83 hộ dân (293 khẩu) đến nơi ở mới, từng bước ổn định cuộc sống.

3 - Đến nay, toàn Tỉnh có: 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm; 126/130 xã có điện lưới quốc gia; 112/130 xã, phường có trạm y tế; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; lao động qua đào tạo đạt 41,27%, giải quyết việc làm cho 34.144 lao động.

Nguồn: tapchiqptd.vn, ngày 10/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất