Thứ Bảy, 30/11/2024
Dựa vào dân để giữ rừng cây di sản

Ngay ngã ba Bhlêê ngược lên trung tâm huyện Tây Giang có một tấm bảng tuyên truyền, với nội dung: “Rừng còn Tây Giang phát triển. Rừng mất Tây Giang suy vong”. 

Ông Nguyễn An, Chánh Văn phòng Huyện ủy Tây Giang, cho biết, nhiều năm nay, cấp ủy và chính quyền huyện rất quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nội dung trên tấm bảng là của ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, đưa ra. 

Việc giữ rừng ở Tây Giang đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận nhờ vào việc lãnh đạo địa phương biết dựa vào sức dân; nhất là giao khoán cho người dân các thôn, bản sống nơi bìa rừng trông coi, bảo vệ rừng. 

Bên cạnh đó, chính quyền còn ban hành nhiều văn bản quy định nghiêm ngặt việc khai thác, quy định rõ tổ chức, cá nhân nào muốn khai thác cây rừng đều phải xin phép từ thôn, bản có rừng cho đến xã, huyện, kiểm lâm… 

Ông An kể rằng, mới đây có một lãnh đạo xã trên địa bàn khai thác một cây nhỏ trong rừng về để đóng vật dụng gia đình. Nhưng vì chưa được cấp phép nên dân làng nơi có rừng đã ngăn cản và bắt phải mua đồ đến tạ lỗi với rừng, với dân bản. 

“Tây Giang rất thành công trong công tác bảo vệ rừng là nhờ biết dựa vào sức dân. Chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận và làm việc gì cũng phải biết lấy dân làm gốc”, ông An nhấn mạnh. 

Cũng chính những việc làm quyết liệt đó đã giúp Tây Giang giữ được những khu rừng nguyên sinh. Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 725 cây pơmu và 2 cây đa ở huyện Tây Giang là cây di sản, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng cây di sản Việt Nam.

Nguồn: cand.com.vn/ Ngọc Thi, ngày 18/9/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất