Công khai và minh bạch
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm HCC của tỉnh và năm Trung
tâm HCC ở các địa phương là: Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả và Vân
Đồn đều đã được trang bị đồng bộ về cơ sở vật chất và ứng dụng công
nghệ thông tin, hoạt động tương đối ổn định. Hệ thống phần mềm điện tử
dùng chung tại các trung tâm và kết nối tất cả các sở, ban, ngành; các
phòng, ban và UBND cấp huyện với các phân hệ chức năng khoa học, rõ
ràng, tiện lợi có tính tự động cao và mềm dẻo, bảo đảm các yêu cầu về
quản lý toàn bộ hoạt động của trung tâm. Số hóa các thủ tục, hồ sơ cho
phép tích hợp chữ ký số. Thuận lợi cho việc tra cứu thông tin; cung cấp
mở rộng các kênh giao tiếp; các bước tiếp nhận, chuyển giao, xử lý tại
các bộ phận nhằm minh bạch hóa công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Chị Vũ Thị Mai Hương ở tổ 1, khu 4, phường Hà Lầm, TP Hạ Long chia sẻ
với chúng tôi: “Đây là lần thứ hai chị đến Trung tâm HCC tỉnh để làm
thủ tục đổi hộ chiếu và được các cán bộ phụ trách nhiệt tình hướng dẫn
cụ thể việc kê khai làm thủ tục cấp đổi một cách chính xác, nhanh
chóng, tránh được việc kê khai đi kê khai lại do nhầm lẫn. Việc giải
quyết các thủ tục của Trung tâm HCC tỉnh cho người dân rất nhanh gọn và
chính xác”.
Quy trình theo dõi việc giải quyết hồ sơ bằng việc áp dụng công nghệ
thông tin hiệu quả từ các khâu giải quyết thủ tục, từ tiếp nhận, thẩm
định, phê duyệt, đến đóng gói trả hồ sơ vừa mang lại tiện ích cho công
dân, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ
quan nhà nước, hạn chế những hiện tượng gây phiền hà cho dân, đồng thời
giúp cho các nhà quản lý, lãnh đạo, như giám đốc trung tâm, giám đốc
các sở, Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy giám sát được tiến độ giải quyết thủ
tục hành chính đối với từng hồ sơ. Phần mềm theo dõi việc giải quyết hồ
sơ thể hiện rõ từng công đoạn giải quyết hồ sơ với thời gian hiển thị
cụ thể, cùng với đó là việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các
bộ phận, cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ ở các công đoạn đó.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay, bộ phận HCC chuyên ngành
làm việc tại trung tâm được chuyên môn hóa cao, nghiệp vụ vững vàng.
Đội ngũ cán bộ này không chỉ đơn thuần tiếp nhận hồ sơ, mà còn có đủ
năng lực và thẩm quyền để hướng dẫn cho công dân hoàn thiện hồ sơ theo
quy định; thẩm định, trình duyệt hồ sơ và trực tiếp phát hành phiếu hẹn
trả kết quả cho công dân theo nguyên tắc “một thẩm định, một phê
duyệt”. Cán bộ phụ trách hồ sơ chịu trách nhiệm toàn bộ, cuối cùng
trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, không chuyển hồ sơ về các
phòng, ban của các sở, ban, ngành để thẩm định. Trường hợp trong quá
trình thẩm định cần lấy ý kiến của phòng, ban, sở, ngành hoặc bộ phận
khác để thẩm định, thì người cán bộ phụ trách hồ sơ sẽ chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan để lấy ý kiến tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ
trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Với các hồ sơ
liên thông ngang, cần nhiều thủ tục hành chính do một sở chủ trì, các
sở khác tham gia giải quyết, trung tâm tiến hành giải quyết tại chỗ với
sự tham gia của các sở, hội ý, thống nhất, nhanh chóng giải đáp cho
công dân. Quan hệ giữa các sở, ngành, phòng, ban và trung tâm được thể
chế hóa bằng quy chế phối hợp, tạo được sự gắn kết trách nhiệm trong
việc giải quyết các công việc cho người dân và tổ chức. Tại trung tâm
còn có đại diện Tỉnh ủy, Thanh tra Tỉnh giám sát quy trình thẩm định.
Do đó, tất cả các thủ tục được tiếp nhận tại trung tâm thuộc các ngành,
lĩnh vực đều bảo đảm được thẩm định, ký phê duyệt ngay tại trung tâm.
Trừ một số thủ tục theo quy định của pháp luật thuộc cơ quan thẩm quyền
cao hơn phê duyệt mà không thể phân cấp, ủy quyền.
Đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tại Trung tâm HCC đạt hơn
99,4% và các TTHC được rà soát cắt giảm 40% lượng thời gian giải quyết
so với thời gian quy định của pháp luật”.
Lấy sự hài lòng làm thước đo
Việc đưa Trung tâm HCC tỉnh vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho người
dân và tổ chức trong giao dịch với cơ quan hành chính; từng bước làm
thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo
hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, trong đó
trọng tâm phục vụ người dân doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan
hành chính, cải thiện đáng kể tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại
nhiều lần để giải quyết công việc gây phiền hà và tốn thời gian kinh
phí. Bên cạnh đó, góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực, tạo đột phá mạnh mẽ về tính minh bạch trong giải quyết công
việc, qua đó góp phần hữu hiệu chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu
cực, sách nhiễu.
Là người thường xuyên phải giải quyết công việc liên quan đến việc
thẩm định các hồ sơ xin cấp phép tại Trung tâm HCC tỉnh, anh Phạm Triều
Dương công tác tại Công ty CP Đầu tư & khách sạn Myway Hạ Long
chia sẻ với chúng tôi: “So với trước đây mô hình “một cửa” thì Trung
tâm HCC ưu việt hơn bởi việc tiếp nhận hồ sơ đã được đồng bộ hóa thông
qua hệ thống công nghệ thông tin, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận và
giải quyết công việc được nhanh, chính xác hơn, giảm được rất nhiều
thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”.
Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt
động”, mô hình Trung tâm HCC tỉnh thật sự là giải pháp thay đổi hữu
hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và
các địa phương, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan
hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, làm tăng hiệu quả làm việc,
tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giảm phiền
hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân.
Thực hiện mô hình Trung tâm HCC là điều kiện thuận lợi để phát huy
quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối
với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Qua
đó, người dân có thể đóng góp ý kiến đối với quy định trong các TTHC,
góp ý về tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và
chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước, từ đó giúp cơ quan hành chính
nhà nước chấn chỉnh hoạt động của mình theo đúng quy định của pháp
luật, cải tiến quy trình giải quyết công việc để nâng cao chất lượng
phục vụ người dân, tổ chức. Ngoài ra, thực hiện mô hình Trung tâm HCC
tạo ra cơ chế giám sát lẫn nhau trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ,
công chức.
Đến nay toàn tỉnh đã thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối đảm nhiệm công
tác tại các trung tâm phục vụ HCC với tổng số là 389 cán bộ, công
chức, nhân viên của 25 sở, ngành của tỉnh và các phòng, ban của 14 địa
phương, trong đó cán bộ chuyên trách là 73, cán bộ không chuyên trách
là 278. Đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên làm việc tại các trung tâm
là Trưởng, phó các phòng chuyên môn nghiệp vụ của các sở, ngành của
tỉnh và các phòng, ban của địa phương được lựa chọn cơ bản là những
người có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng được yêu
cầu công việc, đồng thời được tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết
cho thực thi nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại Trung tâm
phục vụ HCC không có khâu trung gian.
Để góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC, Trung tâm
phục vụ HCC tỉnh đã chính thức đưa tổng đài 1900.558826 giải đáp thắc
mắc cho tổ chức, công dân vào hoạt động và cung cấp phần mềm tra cứu
thông tin về TTHC qua địa chỉ website:
“http://www.hanhchinhcongquangninh.gov.vn”. Tổng đài của trung tâm thực
hiện chức năng giải đáp những thắc mắc cho tổ chức, cá nhân về cung cấp
thông tin và trao đổi hai chiều với công dân, đặt cơ sở ban đầu để dần
đưa các dịch vụ công trở thành trực tuyến, nhằm góp phần CCHC.