Thứ Hai, 20/1/2025
Lai Châu thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

 Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất

Để triển khai thực hiện tốt chương trình ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2019. Giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển Chương trình MTQGGNBV năm 2020 và Kế hoạch kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQGGNBV trên địa bàn các huyện năm 2020… Trên cơ sở đó tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương cũng như người dân có cơ sở thực hiện nhanh các thủ tục nhằm triển khai các dự án đúng tiến độ, hiệu quả.

Công tác chỉ đạo điều hành có sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, vì vậy đã tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội; tạo điều kiện cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách giảm nghèo, trong đó có các nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi… góp phần giúp người nghèo giảm nghèo một cách bền vững.

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương hướng dẫn cách làm, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo, tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ về y tế, nhà ở, điện, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, chương trình 30a…

Năm 2020 tổng nguồn vốn Trung ương giao là 564.658 triệu đồng để thực hiện các dự án thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình... Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 230.777 triệu đồng, đạt 40,87% kế hoạch giao. Các dự án triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao khả năng tiếp cận và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, mang lại hiệu quả cao. Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, thu nhập của người dân đã được tăng lên, đời sống được cải thiện, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng được lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy. Mọi việc đều có sự tham gia bàn bạc, thống nhất của Nhân dân, bà con được đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện. Chương trình MTQGGNBV đã tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn miền núi, tạo sự bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng xã, bản an toàn và hạnh phúc.

Với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận vươn lên của Nhân dân, kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 11,5%, GRDP bình quân đầu người đạt gấp gần 2,3 lần so với năm 2015. Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nguồn nước, khoáng sản; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%...

Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh có 5.300,06km, tăng 940,2km so với cuối năm 2015. Tỷ lệ cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn đạt 54,67%, tăng 1.029km so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 94/94 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có mặt đường được cứng hóa, đạt kế hoạch đề ra (tăng 3 xã so với năm 2015); 93,68% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 4,7%/năm (vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là từ 3-4%/năm). Năm 2018 tỉnh có 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo. Công tác giải quyết việc làm được triển khai tích cực, bình quân giải quyết việc làm cho trên 7.100 lao động/năm, vượt kế hoạch 1,5%, trong đó tổ chức đưa được 576 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình MTQGGNBV trên địa bàn tỉnh cũng còn một số khó khăn như: hiện nay, Ủy ban Dân tộc chưa hướng dẫn phân bổ số vốn còn lại thuộc các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135 là 15.139 triệu đồng (nguồn vốn đầu tư 10.937 triệu đồng, nguồn vốn sự nghiệp 4.202 triệu đồng), do đó còn 17 dự án chuyển tiếp đang tạm dừng thi công gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc huy động nhân công triển khai thực hiện các công trình hạ tầng trên địa bàn các xã gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trên địa bàn một số huyện trong quý I và đầu quý II đã xảy ra thiên tai (mưa đá, gió lốc, lũ lụt, sạt lở đất…) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù do cấp xã làm chủ đầu tư, Nhân dân trực tiếp thi công công trình...

Khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh đến hết năm 2020 còn 33%.

Phạm Khuê

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất